Các cấp độ xe tự hành và xu hướng tại Việt Nam
Xa lộ - Ngày đăng : 11:33, 30/03/2021
Nhiều chuyên gia đánh giá, xe tự hành và xe điện sẽ là xu hướng của thế giới trong tương lai gần. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu “bật đèn xanh” cho xe tự hành để những chiếc xe không người lái có thể di chuyển ngoài đường phố “bình đẳng” với các phương tiện khác.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn sâu hơn về xe tự hành, xu hướng phát triển và những khó khăn khi phát triển xe tự hành tại Việt Nam.
Mẫu xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên của Việt Nam được ra mắt vào chiều ngày 26/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiệp) Trước mắt, công nghệ tự hành giúp hỗ trợ người lái, tiến tới những phương tiện tự hành hoàn toàn được ứng dụng trong các đô thị thông minh. |
5 cấp độ của xe tự hành
Xe tự hành được chia ra làm 5 cấp độ chính, định nghĩa này được Hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) đưa ra năm 2014.
Cấp độ 1: Hỗ trợ người lái
Hệ thống có thể điều khiển chuyển động ngang hoặc dọc của xe, người lái được hỗ trợ một phần, tuy nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, người lái luôn phải sẵn sàng để điều khiển chiếc xe ngay khi cần thiết.
Một số tình năng của cấp độ 1 là hệ thống kiểm soát hành trình chủ động Adaptive Cruise Control, phanh tự động,… kết hợp với cảnh báo va chạm, cảnh báo lệch làn đường,... Ở cấp độ này, chiếc xe có khả năng duy trì khoảng cách với các phương tiện phía trước bằng cách tự động điều chỉnh ga và phanh, tuy nhiên không có khả năng tự đánh lái.
Đa số mẫu xe đời mới trang bị nhiều tính năng hỗ trợ người lái được xếp vào nhóm cấp độ 1 này.
Chức năng Cruise Control trên một số dòng ô tô chính là cấp độ 1 của xe tự hành. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Cấp độ 2:Tự hành một phần
Ở cấp độ 2 này, ngoài những chức năng như ở cấp độ 1 thì chiếc xe được trang bị thêm nhiều tính năng hỗ trợ người lái hơn, và mấu chốt là xe có tác động đánh lái (chuyển động ngang) một cách tự động nếu được kích hoạt. Tuy nhiên người lái vẫn phải giám sát và can thiệp.
Ví dụ cho cấp độ này như các tính năng giữ làn đường, tự động đỗ xe hoặc kết hợp duy trì làn đường và phanh, chuyển hướng, tăng tốc. Chiếc xe có thể chủ động hơn trong xử lý một số tình huống trên đường.
Các mẫu xe cao cấp hiện nay của Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo hay Tesla hầu hết đều thuộc cấp độ 2 này.
Các chức năng tác động đến vô-lăng như giữ làn đường, đỗ xe tự động,... là chức năng của xe tự hành cấp độ 2. |
Cấp độ 3:Tự hành tuỳ điều kiện
Ở cấp độ này, người lái không cần phải liên tục giám sát mà hoàn toàn có thể làm những việc khác trên xe như đọc sách, xem phim, thậm chí là …ngủ. Hệ thống sẽ tự động nhận biết được những giới hạn vận hành, nếu không đủ điều kiện thì hệ thống sẽ thông báo cho người lái điều khiển chiếc xe trở lại.
Thông thường, ở cấp độ này, chiếc xe sẽ tự phân tích và tối ưu hoá việc ga, phanh, chuyển làn,…hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người với tốc độ dưới 60 km/h.
Khi tính năng đã được kích hoạt người lái có thể rời chân khỏi bàn đạp ga và tay lái trong một khoảng thời gian dài, thư giãn và sử dụng các tiện ích giải trí trên xe.
Khi tốc độ vượt quá 60km/h hay tình hình giao thông đã trở nên thông thoáng thì hệ thống sẽ yêu cầu người lái phải tự điều khiển chiếc xe. Nếu người lái từ chối yêu cầu và bỏ qua các cảnh báo, thì chiếc xe sẽ tự động phanh lại liên tục cho đến khi dừng hẳn trên làn đường của mình.
Cấp độ 4:Tự hành cấp cao
Cấp độ này không cần người lái phải tự điều khiển xe, thậm chí chiếc xe có thể không cần vô-lăng. Tuy vậy, ở cấp độ này, chiếc xe bị giới hạn ở một số khu vực nhất định. Khi tự hành, nếu phát hiện lỗi, chiếc xe sẽ tự động dừng lại thay vì yêu cầu tài xế can thiệp như cấp độ 3.
Các taxi robot tương lai sẽ là ví dụ ở cấp độ này. Chúng sẽ tự lái ở một dải vận tốc giới hạn trên một tuyến đường cố định, phù hợp với các nội khu.
Xe tự hành Phenikaa mới được ra mắt chạy bằng điện, không có vô-lăng và được lắp hệ thống cảm biến Lidar, radar, camera,… Đây là mẫu xe thuộc cấp độ 4. |
Cấp độ 5: Tự hành hoàn toàn
Chiếc xe sẽ tự kiểm soát những chuyển động ngang, dọc, phanh và tăng tốc. Ở cấp độ này, xe không yêu cầu sự trợ giúp của người lái trong bất kỳ tình huống nào, do đó xe cũng không cần có tay lái, chân ga và chân phanh. Đây là cấp độ cao nhất của xe tự hành.
Để một chiếc xe có thể đọc mọi điều kiện đường sá, tín hiệu giao thông ở mọi điều kiện thời tiết dù xấu nhất hoặc ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất đòi hỏi các cảm biến, hệ thống camera, GPS, bộ vi xử lý,… làm việc hết sức chính xác và năng lực tính toán cao cấp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện, rất ít hãng xe phát triển sản phẩm đến cấp độ này. Nhưng theo nhiều chuyên gia, chỉ khoảng dưới 10 năm nữa, những chiếc xe tự hành cấp độ 5 sẽ được sản xuất hàng loạt và thương mại hoá trên thị trường.
Xu hướng xe tự hành tại Việt Nam
Các nhà nghiên cứu dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng khoảng 8 triệu phương tiện tự hành hoặc bán tự hành trên đường. Trong đó, những xe tự hành cấp độ 3, 4 sẽ phù hợp khi sử dụng tại các khu đô thị, trường đại học, sân golf,...Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Lê Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa, Giám đốc điều hành công ty Phenikaa X cho rằng, ngoài các vấn đề liên quan đến pháp lý, muốn xe tự hành có thể tham gia được giao thông tại Việt Nam thì cần phải có ít nhất 3 yếu tố về công nghệ.
“Đầu tiên là phải có bản đồ số độ phân giải cao mà Việt Nam chưa có, hoặc chỉ có ở một khu vực nhỏ. Khi tiếp cận công nghệ bản đồ số độ phân giải cao, chúng tôi có thể làm chủ quá trình xây dựng bản đồ trên một khu vực rộng lớn.”
Thứ hai là số hóa toàn bộ hệ thống giao thông hiện tại như đèn đường, biển báo, đèn tín hiệu giao thông. Nhờ đó xe tự hành có thể sử dụng tài nguyên số hóa để hoạt động.
Thứ ba là liên kết giữa các xe tự hành và chia sẻ dữ liệu với nhau. Việc liên kết thể hiện ở các xe sẽ phải được số hoá toàn bộ dữ liệu và chia sẻ với nhau. Nếu chỉ số hóa một phần thì cũng không thể nào đưa xe tự hành tham gia giao thông.
Xe tự hành khác với xe bình thường như thế nào? (Nguồn video: Phenikaa)
Hiện nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 3 chiếc xe Phenikaa, giá của một chiếc xe tự hành cấp độ 4 này dao động từ khoảng 1,5-2 tỷ đồng và đang cố gắng giảm chi phí bằng việc tối ưu hoá hệ thống radar, camera trên xe.
“Việc đưa xe tự hành vào các khu tư nhân, như resort và sân golf, có thể làm được ngay. Còn đưa xe tham gia giao thông vẫn cần thêm hành lang pháp lý”, TS Sơn nói.