Rà phanh đổ đèo thế nào cho đúng cách, an toàn và hiệu quả?
Soi xe - Ngày đăng : 08:33, 20/06/2020
Một số tài xế thường rà chân phanh để giảm tốc độ xe khi xuống dốc nhưng đó là cách hoàn toàn sai. Với những cung đèo dài, rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng lên và có thể đến một thời điểm bị mất tác dụng dẫn đến xe lao tự do xuống dốc
Khi xuống dốc tài xế hạn chế tối đa việc dùng phanh chân, chỉ dùng khi buộc phải dừng hẳn. Thay vào đó phải dùng lực hãm của chính động cơ để hạn chế tốc độ xe. Điều này có thể thực hiện bằng cách đưa xe về chế độ số sàn (tắt tự động) và chạy ở số thấp (thường là bằng hoặc thấp hơn khi lên dốc). Bạn phải về số thấp từ trước khi xuống dốc bởi một khi xe đã trôi xuống dốc ở tốc độ cao thì không thể về số được nữa. Lực hãm của động cơ ở số thấp tốt hơn nhiều so với phanh.
Nếu bắt buộc phải dùng phanh thì không được rà phanh liên tục mà đạp phanh dứt khoát cho tốc độ xe giảm hẳn xuống dưới tốc độ an toàn, sau đó nhả phanh hoàn toàn. Có thể lặp lại thao tác phanh kiểu này khi tốc độ xe trôi tới mức không an toàn nhưng tuyệt đối không được giữ phanh ở trạng thái phanh hờ (rà phanh).
Để xuống đèo, dốc an toàn, người lái cần biết độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, thời tiết, địa hình, lưu lượng tham gia giao thông mà chọn số hợp lý.
Khi xuống dốc mà xe trôi nhanh ngoài ý muốn thì ngay lập tức phải đạp phanh và gạt cần số về số thấp hơn. Hoặc chọn số quá thấp thì khi xuống dốc sẽ bị gằn, vòng tua máy lên cao, đi như vậy rất hại xe và người lái sẽ gặp khó khăn khi điều khiển, lúc đó bạn nên chọn cấp số cao hơn. Nếu chọn số quá cao thì xe sẽ chạy theo quán tính quá lớn, lúc đó sẽ phanh nhiều, gây ra tình trạng mòn má và nhanh hỏng phanh, vậy nên nhanh chóng đệm phanh và chuyển xuống các số thấp hơn.
Khi để số ở vị trí phù hợp với từng con dốc, ta có thể đưa xe xuống dốc an toàn mà vẫn có thể làm chủ tốc độ và có thể dừng lại khi cần, thậm chí dừng xe trong trường hợp khẩn cấp.