Tái tạo bộ gene người hiện đại cổ nhất thế giới từ hộp sọ 45.000 năm tuổi

Khoa học - Ngày đăng : 09:25, 11/04/2021

Hộp sọ hóa thạch của một phụ nữ ở Czechia đã cung cấp bộ gene người hiện đại lâu đời nhất, đại diện cho một quần thể hình thành trước khi tổ tiên của người châu Âu và châu Á ngày nay tách ra.
Tái tạo bộ gene người hiện đại cổ nhất thế giới từ hộp sọ 45.000 năm tuổi - 1

Hình ảnh hộp sọ từ hang động Zlatý kůň gần Praha này thuộc về loài người hiện đại được biết đến sớm nhất ở châu Âu.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích bộ gene của một hộp sọ gần như hoàn chỉnh lần đầu tiên được phát hiện ở Zlatý kůň, Czechia vào đầu những năm 1950, hiện được lưu trữ trong Bảo tàng Quốc gia ở Prague, Cộng hòa Séc.

Các đoạn DNA của người Neanderthal trong bộ gene từ hộp sọ hóa thạch được xác định dài hơn so với mẫu từ một chiếc xương đùi được tìm thấy vào năm 2008 trên bờ sông Irtysh, gần khu định cư Ust'-Ishim, Siberia.

DNA cổ đại của người Neanderthal đã chỉ ra rằng các nhóm có thể đã lai tạo ở đâu đó ở Cận Đông sau khi người hiện đại rời châu Phi khoảng 50.000 năm trước.

Kết quả là tất cả những người bên ngoài châu Phi mang khoảng 2% đến 3% DNA Neanderthal. Trong bộ gene của con người hiện đại, những đoạn DNA của người Neanderthal ngày càng ngắn hơn theo thời gian và chiều dài của chúng có thể được sử dụng để ước tính thời điểm một cá nhân sống.

Bên cạnh đó, dữ liệu khảo cổ học được công bố vào năm 2020 cho thấy rằng con người hiện đại đã có mặt ở đông nam châu Âu cách đây 43 - 47.000 năm, nhưng do sự khan hiếm của các hóa thạch người khá hoàn chỉnh và thiếu DNA bộ gene, nên có rất ít hiểu biết cụ thể hoặc mối quan hệ với các nhóm người cổ đại và ngày nay.

Tuy nhiên, chính DNA của người Neanderthal đã đưa nhóm nghiên cứu đến kết luận về tuổi của hóa thạch. Hóa thạch Zlatý kůň mang cùng số lượng DNA Neanderthal trong bộ gene của mình, giống như hóa thạch ở Ust Ishim hoặc những người hiện đại khác bên ngoài châu Phi, nhưng các phân đoạn có tổ tiên Neanderthal trung bình dài hơn nhiều.

"Kết quả phân tích DNA của chúng tôi cho thấy hóa thạch ở Zlatý kůň sống gần thời điểm xảy ra sự kiện kết hợp với người Neanderthal hơn", Kay Prüfer, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Dựa trên phát hiện này, nhóm nghiên cứu lập luận rằng hóa thạch ở Zlatý kůň đại diện cho bộ gene người cổ nhất cho đến nay, gần bằng tuổi, nếu không muốn nói là già hơn vài trăm tuổi so với hóa thạch Ust'-Ishim.

Johannes Krause, tác giả cao cấp, giám đốc tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho hay, cũng giống như hóa thạch Ust'-Ishim và hộp sọ được cho là cổ nhất châu Âu cho đến nay từ Oase 1, hóa thạch Zlatý kůň cho thấy không có sự di truyền liên tục với người hiện đại sống ở châu Âu sau 40.000 năm trước.

Một lời giải thích có thể liên quan đến sự gián đoạn là vụ phun trào núi lửa Ignimbrite ở Campanian khoảng 39.000 năm trước đây. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu ở bắc bán cầu, có thể đã làm giảm cơ hội sống sót của người Neanderthal và người hiện đại thời kỳ đầu ở những vùng rộng lớn của Châu Âu thời kỳ Băng hà.

Khi những tiến bộ trong phân tích DNA cổ đại tiết lộ nhiều hơn về câu chuyện của loài người, các nghiên cứu di truyền trong tương lai của các cá thể châu Âu cổ đại được cho sẽ giúp tái tạo lại lịch sử và sự suy tàn của những người hiện đại đầu tiên mở rộng ra khỏi châu Phi sang lục địa Á - Âu trước khi hình thành quần thể phi châu Phi.