Kháng thể đối với virus corona được tìm thấy ở dơi và tê tê
Khoa học - Ngày đăng : 09:13, 13/02/2021
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục sứ mệnh của mình tại Vũ Hán để nghiên cứu nguồn gốc và sự lây truyền sớm của SARS-CoV-2, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Trường Y Đại học Duke-NUS Singapore và Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan cùng với các đồng nghiệp từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và Úc, cho thấy rằng, Covid-19 liên quan đến SARS-CoV-2 (SC2r-CoVs) ẩn nấp trong dơi và tê tê ở Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
"Khám phá quan trọng này trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc của SARS-CoV-2 được thực hiện nhờ sự hợp tác quốc tế rộng mở và việc sử dụng các công nghệ tiên tiến", thông cáo báo chí của Trường Y Duke-NUS trích dẫn lời tác giả chính của bài khoa học, chuyên gia Supaporn Wacharapluesadee từ Trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi thuộc Hội Chữ thập đỏ Thái Lan.
Trong quá trình nghiên cứu các tác giả đã sử dụng bộ phát hiện kháng thể trung hòa cPass™ SARS CoV-2 (bộ Kit cPass™ sVNT) được phát triển tại Trường Y Duke-NUS vào đầu năm 2020. Bộ xét nghiệm này được thiết kế để đo nồng độ các kháng thể trung hòa virus ở người nhằm theo dõi hiệu quả của vắc xin và phát hiện các bệnh nhiễm trùng trong quá khứ. Bộ xét nghiệm cPass đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận vì nó phù hợp tốt với các xét nghiệm virus sống và có thể được sử dụng khẩn cấp để xác định ở người kháng thể huyết thanh trung hòa SARS-CoV-2.
"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng, xét nghiệm trung hòa virus thay thế SARS-CoV-2 cũng có thể được sử dụng để theo dõi nguồn gốc virus ở động vật và các tác dụng phụ ở động vật và người", giáo sư Lin-Fa Wang của Duke-NUS, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nồng độ cao các kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 ở dơi và tê tê Rhinolophus được tìm thấy ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ở những loài động vật này, các nhà khoa học đã xác định được nhiều loại virus thuộc họ SC2r-CoVs, mặc dù bản thân virus SARS-CoV-2 không được tìm thấy. Các tác giả rút ra kết luận rằng, khu vực này có nguy cơ trở thành "điểm nóng" cho sự xuất hiện các biến thể mới của virus corona.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Chee Wah Tan, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi đã mở rộng hiểu biết về các loại virus corona đa dạng về mặt di truyền có liên quan đến SARS-CoV-2 lây lan theo địa lý từ Nhật Bản và Trung Quốc đến Thái Lan".
"Những nghiên cứu như vậy là rất quan trọng để đem lại sự hiểu biết tốt hơn về các loại virus liên quan đến SARS-CoV-2 tồn tại trong tự nhiên, và giúp chúng tôi chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai bằng cách cung cấp bản đồ chi tiết hơn về các mối đe dọa từ động vật", Giáo sư Patrick Casey, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu của Trường Y Duke-NUS nói.
Theo các nhà khoa học, cần phải sớm tiến hành một cuộc nghiên cứu xuyên biên giới trên các loài động vật hoang dã để xác định loại virus tiền thân tiến hóa trực tiếp của SARS-CoV-2.