Khám phá ngôi chùa nghìn tuổi ở Bắc Ninh không có hòm công đức
Du lịch online - Ngày đăng : 08:18, 29/06/2020
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 25 km, chùa Tiêu (Từ Sơn, Bắc Ninh) nằm khép mình bên lưng chừng đồi, nhìn xuống phía dưới là dòng sông Tiêu Tương thơ mộng, hiền hòa. Nhìn vào sự dung dị ấy, ít ai biết được rằng ngôi chùa này đã có lịch sử hàng nghìn năm mang đậm nét thuần khiết, rêu phong của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Đặc biệt, du khách hành hương đến chùa Tiêu không chỉ bởi bề dày lịch sử, văn hóa mà còn mong muốn được gặp gỡ, trò chuyện với ni trưởng Thích Đàm Chính – người đã đặt ra những quy định “bất thành văn” dành cho du khách khi đến thăm chùa.
Ngôi chùa “ba không”
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”, chúng tôi đã quyết định đặt chân đến chùa Tiêu vào một ngày thanh vắng để giải mã được ngọn nguồn những quy định ở đây. Điều khiến chúng tôi ấn tượng đầu tiên ở ngôi chùa này chính là nét cổ kính, nguyên sơ. Không có cổng chào đồ sộ hay tượng phật hoành tráng, chùa Tiêu dung dị trong những dấu tích còn sót lại của một thời xưa cũ với những bức tường phủ đầy rêu phong của thời gian.
Theo như lời của các ni sư ở chùa, sở dĩ chùa Tiêu vẫn còn giữ được những nét cổ kính như vậy một phần là nhờ những điều kiêng kị mà nhà chùa đặt ra đối với du khách thập phương khi đến hành hương, đặc biệt là quy tắc “ba không” mà ai thường xuyên đến đây cũng đều nằm lòng: không đốt vàng mã, không hòm công đức và không dâng sao giải hạn.
Tấm bảng ghi lại những điều cấm kị đối với mỗi du khách khi đến chùa Tiêu |
Ngày nay, hòm công đức là hình ảnh xuất hiện như một lẽ dĩ nhiên ở chốn tâm linh cửa Phật. Tuy nhiên, đồ vật ấy lại không thể tìm thấy được ở chùa Tiêu, điều đó vô tình trở thành điểm độc đáo của ngôi chùa này trong mắt du khách thập phương.
Ni trưởng Thích Đàm Chính cho biết từ khi bà về chùa đã hơn 50 năm nay thì nơi này đã không hề đặt hòm công đức, vì thế, bà cứ theo nếp ấy mà làm. Không chỉ vậy, bà còn yêu cầu các ni sư để ý và nhắc nhở du khách đừng vì chùa không có hòm công đức mà đặt tiền tùy ý lên tay Phật, ban thờ. Nhờ vậy, không gian lễ chùa tại đây trở nên thanh tịnh, trang nghiêm.
“Nhận công đức trước mà không sử dụng nó ngay để kiến tạo chùa thì chẳng khác nào mang nợ. Vậy nên, chỉ khi chùa có dự án lớn cần tu bổ thì mới xin quyên góp của nhân dân. Tiền đã qua tay nhiều người, trải qua nhiều cuộc buôn bán, tranh chấp thì không nên lễ Phật. Ai muốn cúng cho chùa thì ủng hộ ở ban di tích chứ không được đặt tiền lên tay Phật hay chỗ bày hoa, bày quả vì cài tiền xộc xệch sẽ làm mất đi sự trang nghiêm trong cách bài trí của chùa” – Ni trưởng cho biết.
Về chuyện cấm đốt vàng mã, khoảng 10 năm trở lại đây thì đó là điều cấm kị tuyệt đối và nhà chùa cũng khuyên người dân nên bỏ tục này. Bởi lẽ trước đây nhà chùa đã từng cho phép nên có đông người đến đây hóa vàng, làm cho khói bay lên ô nhiễm nơi cửa chùa vốn thanh tịnh, yên ả.
“Nhiều người chỉ mưu cầu lấy vàng giả để đổi lấy vàng thật, chứ không thành tâm hướng Phật. Hơn nữa, giải hạn là phải tự tâm tự sửa, người đến chùa cốt là thành tâm. Nếu thỉnh vong mà giải được kiếp nạn thì người giàu đã không phải chết” – Ni trưởng lý giải về lý do tại sao nhà chùa không tổ chức đốt vàng mã cũng như làm lễ dâng sao giải hạn.
Ngoài quy tắc “ba không” bất di bất dịch trên, chùa Tiêu còn có rất nhiều điều cấm kị nhỏ khác như không được cúng rượu thịt, không tự ý thắp hương, không mặc quần lửng, áo cộc khi lên chùa,… Đặc biệt, ai vi phạm những quy định trên thường được nhắc nhở và xử lí trực tiếp chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu.
Nếu có người mặc trang phục quá ngắn thì sẽ lập tức bị các ni sư hoặc những người làm công quả tại đây nhắc nhở và ngăn không cho lên chùa. Nhà chùa chủ trương nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng kiên quyết với những cá nhân vi phạm với mong muốn tạo nên một không gian lễ chùa thành tâm, văn minh.
Tấm biển nhắc nhở du khách chỉnh đốn trang phục được đặt ngay bên trái lối đi lên khu Tam Bảo ở chùa Tiêu. |
“Khuôn vàng thước mộc”
Hữu duyên đến với chùa Tiêu vào một ngày thanh vắng, bạn sẽ có cơ hội được trò chuyện với trụ trì Thích Đàm Chính – chủ nhân của những luật lệ ở chùa Tiêu. Tiếp xúc với mọi người, ni trưởng không cao đạo, câu nệ mà trò chuyện gần gũi với những lí giải hồn hậu, đi sâu vào lòng người.
Ni trưởng Thích Đàm Chính trò chuyện cùng du khách đến với chùa Tiêu. |
Về chùa từ năm 1967 đến nay đã hơn 50 năm, ni trưởng dành hơn nửa đời mình gắn bó với việc kiến tạo và tu bổ chùa. Khi mọi người tỏ ra ngạc nhiên với những điều kiêng kị mà nhà chùa đặt ra thì bà đáp lại bằng chân ngôn giản dị với nụ cười đen nhánh, ánh mắt sáng: “Có gì đâu mà kì lạ!”.
“Đó là những điều mà lẽ ra ai hướng Phật cũng đều nên tránh, chùa đã thực thi điều này rất lâu rồi chứ không phải mới khởi xướng do bất kì những lí do ngoài lề nào cả.” Ni trưởng cũng mong mọi người không nên đề cao quá mức những quy định này của chùa, có như vậy thì văn hóa lễ chùa văn minh mới “mưa dầm thấm lâu” như một thói quen vào đời sống tâm hồn người Việt.
Có thể bạn chưa biết, chùa Tiêu Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất nước ta. Theo sách xưa, chùa Tiêu là nơi trụ trì của sư Vạn Hạnh, người có công nuôi dưỡng, giáo dục vị vua anh minh Lý Thái Tổ, lập nên vương triều nhà Lý, khai sáng kinh đô Thăng Long. Đặc biệt, nơi đây lưu lại nhục thân của thiền sư Như Trí, minh chứng của sức mạnh thiền tu vượt qua khỏi vòng luân hồi.
Ngôi chùa nghìn năm tuổi là nơi ni trưởng Thích Đàm Chính ngày ngày vẫn ăn chay, niệm Phật, đọc sách Hán ngữ và nuôi những con mèo nhỏ dưới gốc cây đa xòa bóng ôm trọn khu Tam Bảo của chùa, không bon chen, sân si chuyện lợi danh, tiền bạc. Một con người có những tư tưởng lớn nhưng lại sống một cuộc đời dung dị hiếm thấy. “Khuôn vàng” có thể chỉ cần đo bằng “thước mộc”, những thứ lớn lao, phi thường đôi khi vẫn hay ẩn mình trong những điều bé nhỏ…