Những con khỉ trộm cướp ở Indonesia ngày càng thông minh, có thể nhận biết món đồ giá trị cao để lấy rồi đòi tiền chuộc
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:22, 18/01/2021
Tại đền Uluwatu ở Bali, khỉ có nghĩa là kinh doanh. Những con khỉ đuôi dài lang thang ở khu vực di tích cổ đại này nổi tiếng vì thói ăn cướp trắng trợn đồ đạc từ những du khách, vơ vét tài sản của họ cho đến khi thức ăn được đưa ra để làm tiền chuộc.
Tuy nhiên, vấn đề là các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng những con khỉ cũng có kỹ năng đánh giá mặt hàng có giá trị cao nhất trên người nạn nhân, sau đó sử dụng thông tin này để tối đa hóa lợi nhuận mà nó có thể thu được.
Tiến sĩ Jean-Baptiste Leca, phó giáo sư khoa tâm lý học tại Đại học Lethbridge ở Canada và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những con khỉ lém lỉnh thích nhắm mục tiêu vào các mặt hàng mà nếu bị mất, con người có nhiều khả năng dùng thức ăn để đổi lại, ví dụ như đồ điện tử. Còn các món đồ mà khách du lịch ít quan tâm là kẹp tóc hoặc túi đựng máy ảnh rỗng.
Con khỉ này đã trộm được một cái kính thuốc và chờ nạn nhân tới chuộc.
"Điện thoại di động, ví và kính cận nằm trong số những tài sản có giá trị cao mà lũ khỉ nhắm đến để trộm". Leca cho biết. "Những con khỉ này đã trở thành chuyên gia trong việc trộm chúng từ những du khách lơ đãng không nghe lời khuyến cáo của nhân viên tại ngôi đền, rằng phải giữ tất cả những vật có giá trị bên trong túi xách có khóa kéo buộc chặt quanh cổ và lưng của mình".
Sau hơn 273 ngày quay phim các tương tác giữa loài động vật này và khách viếng thăm đền thờ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con khỉ đầu chó sẽ yêu cầu phần thưởng tốt hơn - chẳng hạn như nhiều thức ăn hơn - cho những vật có giá trị cao hơn.
Việc mặc cả giữa một "tên cướp mang bộ lông khỉ", du khách và một nhân viên tại đền thờ thường kéo dài vài phút. Thời gian chờ đợi lâu nhất trước khi một món hàng được trả lại là 25 phút, bao gồm 17 phút thương lượng. Đối với những mặt hàng có giá trị thấp hơn, những con khỉ có nhiều khả năng kết thúc phiên đổi hàng thành công hơn, bằng cách nhận phần thưởng thấp hơn.
Du khách muốn lấy lại đồ sẽ phải sử dụng thức ăn làm tiền chuộc, ít hay nhiều tùy vào mỗi con khỉ.
Không giống như nhiều nghiên cứu trước đây được thực hiện trong phòng thí nghiệm, những con khỉ ở ngôi đền Hindu Uluwatu này là động vật sống tự do. Và các hành vi như vậy được những con khỉ con học được trong suốt thời kỳ thiếu niên, cho đến khi chúng được bốn tuổi.
"Cướp và đổi chác là một biểu hiện của trí thông minh văn hóa của loài khỉ", Leca nói. "Những hành vi này được học hỏi và đã được duy trì qua các thế hệ khỉ trong ít nhất 30 năm ở quần thể này."
Trong khi các nhân viên đền thờ tại Uluwatu luôn sẵn sàng để giảm bớt sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa đàn khỉ và khách du lịch, việc quản lý các loài động vật là một thách thức ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Những con khỉ nổi tiếng vì đã gây ra nhiều rắc rối trên khắp Ấn Độ khi chúng ăn hoa màu của nông dân, cướp phá nhà cửa ở các làng mạc và thành phố, thậm chí còn quấy rối nhân viên y tế và trộm cả các mẫu máu từ khu vực xét nghiệm coronavirus.
Có những lo ngại rằng, ở nhiều vùng, khỉ trở nên hung dữ hơn vì đại dịch khiến chúng không còn nhiều thức ăn. Ở Thái Lan, các quan chức bắt đầu triệt sản khỉ ở Lopburi, một thành phố nổi tiếng với quần thể khỉ vào năm ngoái. Việc thiếu khách du lịch trong thời kỳ đại dịch đã khiến các loài động vật đói và ngày càng khó sống cùng nhau.