Loài tắc kè sa mạc kì lạ có khả năng phát sáng dưới ánh trăng
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:23, 14/01/2021
Cơ chế tạo ra ánh sáng này của nó chưa từng thấy trước đây ở động vật có xương sống trên cạn.
Tắc kè Palmetto (Pachydactylus rangei) có da trong mờ với những mảng lớn màu vàng: sọc ở hai bên và vòng bao quanh mắt. Nhưng khu vực này sẽ sáng lên khi chúng hấp thụ ánh sáng xanh hơn của Mặt trăng.
Khả năng phát quang đã được tìm thấy ở các loài bò sát và lưỡng cư khác, do xương của chúng tạo ra hoặc do chất tiết hóa học trên da của chúng. Tuy nhiên, tắc kè Palmetto lại có màng tạo ra ánh sáng của chúng bằng cách sử dụng các tế bào sắc tố da chứa đầy tinh thể guanine. Những tế bào này, được gọi là iridophores, trước đây có liên quan đến việc hiển thị màu sắc ở tắc kè và thằn lằn, nhưng đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy chúng cũng cho phép tắc kè phát sáng trong bóng tối.
Tắc kè Palmetto có chiều dài khoảng 10 đến 15 cm. Loài tắc kè này sử dụng đôi chân lớn có màng để chui qua cát mịn và chúng chủ yếu hoạt động vào ban đêm.
Vào năm 2018, các tác giả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tắc kè hoa có xương phát sáng qua da của chúng. Đồng tác giả nghiên cứu Mark Scherz, tại Đại học Potsdam, Đức, cho biết khám phá đó đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm ánh sáng tiềm ẩn trong các loài bò sát và lưỡng cư khác.
David Prötzel, tác giả chính của nghiên cứu này ở Munich, đã nuôi tắc kè Palmetto ở nhà và có một phát hiện đáng kinh ngạc khi chiếu đèn UV vào những con tắc kè của mình.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 55 mẫu vật tắc kè Palmetto dưới ánh sáng UV và họ đã tìm thấy bằng chứng về sự phát huỳnh quang ở cả tắc kè đực lẫn cái.
Scherz cho biết: "Trên thực tế, hóa ra khá nhiều loài khác, bao gồm cả tắc kè, có làn da đủ trong suốt để có thể nhìn thấy huỳnh quang của xương chúng dưới ánh sáng UV đủ mạnh".
Nhưng ở loài tắc kè Palmetto, ánh sáng màu lục neon sáng đến từ các tế bào sừng. Mặc dù trước đây iridophores không liên quan đến sự phát huỳnh quang ở tắc kè, nhưng chúng được biết là phát huỳnh quang ở một số loài cá rạn san hô. Tắc kè Palmetto là loài tắc kè đầu tiên được biết đến sở hữu hai loại tế bào biểu bì. Trong đó có một loại phát quang và một loại không phát quang.
Các tác giả nghiên cứu cho hay, ánh sáng mà các tế bào này tạo ra sáng hơn ánh sáng phát ra từ xương của tắc kè hoa và là một trong những ví dụ sáng nhất về sự phát huỳnh quang ở động vật trên cạn.
Những dấu hiệu phát sáng như vậy dọc theo phần thân dưới và xung quanh mắt sẽ rất dễ nhìn thấy đối với những con tắc kè khác, nhưng sẽ bị che khuất khỏi những kẻ săn mồi có điểm thuận lợi cao hơn, chẳng hạn như cú hoặc chó rừng.
Mặc dù các nhà khoa học không biết hầu hết các loài động vật sử dụng huỳnh quang của chúng như thế nào, nhưng vị trí và độ sáng của những dấu hiệu này, cũng như khả năng hiển thị của chúng trong môi trường sa mạc khô cằn của tắc kè, nơi không có nhiều thảm thực vật, cho thấy rằng huỳnh quađóng một vai trò trong tương tác xã hội của tắc kè.
"Chúng tôi đã quan sát thấy trong điều kiện nuôi nhốt, mặc dù những con vật này phần lớn sống đơn độc nhưng chúng vẫn chạy đến gần nhau để chào hỏi nhau sau một thời gian ngắn tách biệt. Chúng cũng liếm hơi nước đọng trên cơ thể của nhau. Vì vậy, có rất nhiều lý do để có thể nhìn thấy nhau trong khoảng cách xa sẽ rất hữu ích cho những con tắc kè này", Scherz thông tin.