Tại sao bão mạnh hơn và dồn dập hơn vào cuối mùa bão năm 2020?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:38, 01/11/2020

Lý do các cơn bão liên tục xuất hiện và có cường độ mạnh là gì?

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thì năm nay, mùa bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hoạt động yếu hơn bình thường do chịu tác động của pha nóng El Nino vào đầu năm và cuối năm chuyển pha lạnh La Nina.

Trái lại mùa bão ở Bắc Đại Tây Dương năm nay lại hoạt động mạnh bất thường mà cho đến hiện tại thì số lượng bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ít hơn Bắc Đại Tây Dương, đây là lần thứ 3 xảy ra điều này (hai lần trước là vào năm 2005, 2010).

Như vậy cho tới lúc này thì mùa bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương năm nay hoạt động khá yếu và ít hơn hẳn so với bão trên Bắc Đại Tây Dương (24 cơn bão và áp thấp so với 28 cơn bão và áp thấp của khu vực Bắc Đại Tây Dương, điều rất hiếm khi xảy ra).

Tuy nhiên số lượng các cơn bão đi vào khu vực biển Đông nước ta lại nhiều và dồn dập hơn rất nhiều, minh chứng là chỉ tính riêng tháng 10 đã có liên tiếp các cơn bão: bão Linfa (số 6), bão Nika (số 7), bão số 8, bão Molave (số 9) và có thể là bão số 10 (bão Goni).

Tại sao các cơn bão lại liên tiếp đi vào đất liền nước ta?

Trước tiên hãy cùng nhìn lại tổng quan tình hình bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đi vào biển Đông (ở đây ta chỉ xét các cơn bão đi vào đất liền nước ta) từ đầu mùa bão đến nay:

Nếu như ở giai đoạn 1 (tiền La Nina) bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, khu vực Biển Đông chỉ xuất hiện 1 cơn bão (bão Sinlaku - bão số 2) trong tổng số 4 cơn bão đi vào biển Đông thì giai đoạn thứ 2 lại tỏ ra phức tạp và dồn dập và có cường độ mạnh hơn rất nhiều.

Giai đoạn này bắt đầu từ tháng 9 đến hiện tại (là thời điểm xuất hiện La Nina), chúng ta phải hứng chịu cơn bão Noul (bão số 5) tiến vào Thừa Thiên-Huế ngày 18/9 gây thiệt hại nặng nề.

Tiếp đó là bão bão Linfa (bão số 6) đã suy yếu thành áp thấp khi đi vào đất liền tỉnh Quảng Ngãi ngày 11/10. Chỉ 3 ngày sau thì cơn bão có tên Nangka hay Nika (bão số 7) lại tiếp tục đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa nhưng lúc này đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Diễn biến của sự hoạt động của các cơn bão trên biển Đông năm nay khá tương đồng với các năm 1983, 1990, 1995. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do của sự hoạt động liên tục với cường độ mạnh của các cơn bão kể từ tháng 10 đến nay.

Tại sao bão mạnh hơn và dồn dập hơn vào cuối mùa bão năm 2020? - Ảnh 1.

Bão liên tiếp đổ bộ gây mưa lớn kỷ lục. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Theo trao đổi với phóng viên của ông Lê Thanh Hải - Nguyên phó giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương trên trang Vovgiaothong ngày 14/10/2020 thì nguyên nhân khiến cho bão liên tục xuất hiện vào cuối mùa bão (tháng 10 đến 12) là:

- Thứ nhất: '...hiện tượng La nina ở mức độ cao hơn trung bình một chút nên pha lạnh làm cho bão nhiều'.

- Thứ hai: '...mùa mưa năm nay sẽ kết thúc muộn và không khí lạnh cũng về sớm hơn. Tất cả các yếu tố đó tạo nên dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua Trung bộ và hoạt động mạnh lên, liên tiếp sinh ra các vùng thấp, áp thấp nhiệt đối và các cơn bão'.

Ở Việt Nam nói riêng, bão sẽ có xu hướng đi vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ (khu vực từ Quảng Trị đến Bình Thuận). Ngoài ra, sự kết hợp với khối không khí lạnh từ ngày 6/10 cho đến thời điểm hiện tại còn gây ra các đợt mưa rất lớn kéo dài tại Trung Bộ.

Hậu quả của sự kết hợp những điều kiện thời tiết này đã gây nên cơn lũ lụt lịch sử, sạt lở đất ở nhiều tỉnh thành, làm thiệt hại nặng nề về người và của đối với khu vực miền Trung nước ta.

Trước đó trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Khí tượng Thủy văn ngày 12/5/2020, ông Hải cũng từng nhận định về sự xuất hiện liên tiếp của các cơn bão tập trung vào các tháng cuối mùa bão:

'...Ngoài mùa bão xuất hiện muộn, mùa bão năm nay đang trùng với thời kỳ ENSO trung tính nghiêng về pha lạnh và trước cuối năm có thể chuyển sang La Nina, nên mùa bão có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa từ tháng 10 đến tháng 12.

Tại sao bão mạnh hơn vào cuối mùa bão năm 2020?

Vừa rồi chúng ta chỉ xét về tần suất xuất hiện các cơn bão, còn nếu xét về cường độ thì việc nước biển ấm lên trên mức trung bình khoảng 2 độ C kể từ tháng 10 hay thậm chí 3 độ C ở một số khu vực biển thuộc vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương cũng như giá trị Hàm lượng nhiệt đại dương (OHC) cao đã giúp bão dễ hình thành và như 'lửa được đổ thêm dầu'.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì chỉ cần nhiệt độ bề mặt biển từ 26 độ C là đã có thể tạo điều kiện cho bão hình thành, thế nhưng nhiệt độ của nước biển tại khu vực Thái Bình Dương lại rất cao.

Cụ thể, nền nhiệt độ bề mặt từ 30 đến 31 độ C đã trải khắp mặt biển đại dương khu vực này, theo trang Severe Weather). Thậm chí có nơi nhiệt độ cao hơn (gần 32 độ C).

Dự báo diễn biến cuối mùa bão năm 2020

Theo 'Bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 11 năm 2020' của Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tên viết tắt: NCHMF) thì:

Do tác động của hiện tượng thời tiết La Nina nên mùa bão và thời tiết năm nay sẽ có nhiều biến động, trong đó tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình các năm.

Cụ thể: có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 05-06 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Cuối tháng 10/2020 thì Dao động Madden Julian (MJO) sẽ gây đối lưu phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á, điều này sẽ tạo điều kiện cho các xoáy thuận nhiệt đới (số lượng khoảng từ 2 đến 4) hình thành trên khu vực Biển Đông.

Tháng 11 tới sẽ có khả năng xuất hiện thêm 3 đến 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở khu vực biển Đông mà tập trung chủ yếu là ở khu vực giữa biển Đông. Trong đó, sẽ có khoảng 2 đến 3 cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền (chủ yếu đi vào miền Trung) nước ta.

Nguyên nhân là do nhiều đợt khối không khí lạnh (4 đến 5 đợt) sẽ tác động đến nước ta vào giữa tháng 11 kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh với những vùng nhiễu động nhiệt đới trên Biển Đông sẽ gây mưa, mưa vừa, mưa to tại các khu vực miền Trung.