Miệng núi lửa khổng lồ tiếp tục xuất hiện tại Siberia

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 13:06, 20/09/2020

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một miệng núi lửa khổng lồ trên khu vực lãnh nguyên Bắc Cực ở Siberia, ước tính rộng khoảng gần 200m.
Miệng núi lửa khổng lồ tiếp tục xuất hiện tại Siberia - 1
Khu vực được tìm thấy ở phía đông bán đảo Yamal, nơi một miệng núi lửa sâu hơn 50m được phát hiện gần đây.

Miệng núi lửa mới nhất được tìm thấy bởi Oleg Shabalin, người đứng đầu làng Gyda gần đó. Ông Oleg Shabalin đã báo cáo phát hiện này cho rằng nó có thể được hình thành thông qua một vụ nổ khí mê-tan.

Các nhà khoa học cho biết vùng trũng sâu khoảng hơn 20m chứa đầy bùn, có thể được hình thành do nhiệt độ ấm lên, với băng bị mắc kẹt trong lớp băng vĩnh cửu tan chảy và khiến đất sụp đổ.

Nhà khoa học Marina Leibman, từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết sự hình thành này liên quan đến sự sụt giảm do vấn đề tan băng của lớp băng vĩnh cửu.

"Chúng tôi đã nghiên cứu các chu trình nhiệt trong nhiều năm. Chúng trông giống như những vụ lở đất khổng lồ có hình bán nguyệt với những tảng băng nhô ra. Trước đó, những vòng tuần hoàn nhiệt như vậy được quan sát gần biển, giờ chúng được nhìn thấy sâu hơn trên đất liền. Chúng liên kết với các lớp băng và sự ấm lên”, Marina Leibman cho biết.

Trước đó, miệng núi lửa được đặt tên là “cửa ngõ vào thế giới ngầm" được biết đến với người dân địa phương ở khu vực phía đông Siberia. Đây là miệng núi lửa đóng băng vĩnh cửu lớn nhất trên thế giới, rộng hơn 975m và sâu hơn 91m. Trước năm 2016, tốc độ mở rộng của nó là khoảng gần 10m mỗi năm, hiện vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Tốc độ gia tăng được cho là do nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng. Mùa hè ấm hơn và mùa đông ôn hòa hơn dẫn đến mặt đất đã bị đóng băng hàng nghìn năm đã bắt đầu tan băng.

Ở nhiều vùng Bắc Cực, lớp băng vĩnh cửu chứa nhiều băng. Khi băng tan, mặt đất lún xuống. Các chuyên gia trước đó nói rằng trong thời gian tới, nhiệt độ ấm hơn có thể sẽ dẫn đến sự hình thành của nhiều miệng núi lửa như thế này trên khắp lãnh nguyên Bắc Cực.

Các nhà khoa học cũng đã dự đoán rằng nhiều miệng núi lửa được hình thành thông qua việc giải phóng khí mêtan sẽ xuất hiện trong tương lai. Những miệng núi lửa này hình thành khi khí mê-tan tích tụ trong các túi không đóng băng bên dưới bề mặt. Khi đủ áp lực đã được tích tụ, một vụ nổ lớn được tạo ra, đẩy băng và đất cách tâm chấn hàng trăm mét.