Tìm thấy xác ướp sơn dương đóng băng cực hiếm trên dãy Alps
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:37, 06/09/2020
Việc phát hiện xác ướp sơn dương, một loài sinh vật ở các vùng núi của châu Âu, hiện đang giúp các chuyên gia tìm ra cách đánh giá DNA mà không làm hỏng nó.
Nghiên cứu này được đánh giá có thể hỗ trợ việc phát triển các kỹ thuật bảo tồn mới cho các hài cốt được ướp xác tương tự.
Xác ướp của con sơn dương được một số người leo núi tìm thấy ở Val Aurina, Nam Tyrol, thuộc dãy núi Alps của Ý. Các chuyên gia đã đến địa điểm này và một trong số họ, Hermann Oberlechner, nhận ra rằng đang đối mặt với một phát hiện rất độc đáo. Ngay lập tức Hermann Oberlechner đã thông báo cho các cơ quan chức năng địa phương có liên quan.
Xác con sơn dương đã được bảo quản trong khoảng 4 thế kỷ và chỉ mới được tiết lộ gần đây khi một con sông băng tan. Oberlechner cho biết chỉ một nửa cơ thể con vật lộ ra khỏi tuyết. Da nó hoàn toàn không có lông và chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì tương tự.
Phải mất rất nhiều sự hỗ trợ và cẩn thận mới có thể gỡ tuyết phủ lên con sơn dương. Rất may nó đã không bị hư hại trong khi gỡ bỏ. Các chuyên gia muốn đưa xác con sơn dương ra khỏi núi để nghiên cứu và bảo tồn, nhưng có một vấn đề đó là địa điểm khám phá không thể vượt qua và chỉ có thể tiếp cận bằng cách leo núi đồng thời đi bộ đường dài trong vài giờ.
Các cơ quan chuyên trách của Ý đã được yêu cầu hỗ trợ và sau đó họ đã cung cấp một máy bay trực thăng. Nhờ đó đã đưa xác con sơn dương xuống khỏi núi và đến trung tâm nghiên cứu Eurac, nơi nó được đặt trong một phòng lạnh chuyên biệt.
Thực chất, bản thân con sơn dương không quá quan trọng, nhưng người ta sớm nhận ra rằng nó có thể hữu ích như một chất mô phỏng cho nghiên cứu về vật chất sinh học bị đóng băng.
Marco Samadelli, một chuyên gia bảo tồn cho biết: “Nhờ các nghiên cứu trước đây, chúng tôi biết các thông số vật lý và hóa học tối ưu để bảo quản”.
Sơn dương có thể được nghiên cứu cụ thể về DNA và cách các điều kiện trong điều kiện cực lạnh đã thay đổi cấu tạo của nó. Với phân tích chuyên sâu lặp đi lặp lại, các nhà nghiên cứu sẽ xác minh những thay đổi nào mà DNA phải trải qua khi điều kiện bên ngoài thay đổi.
Albert Zink, người đứng đầu nghiên cứu về xác ướp băng tại Eurac Research, cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng dữ liệu khoa học để phát triển một quy trình bảo tồn hợp lệ trên toàn cầu cho xác ướp băng. Đây là lần đầu tiên xác ướp động vật được sử dụng theo cách này”.
Xác ướp sơn dương đông lạnh còn có thể cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về xác ướp băng. Nó cho phép các nhà khoa học phát triển các kỹ thuật mới về cách tách chiết DNA. Những thứ này sau đó có thể được sử dụng theo những cách mới, không chỉ để nghiên cứu xác ướp băng mà còn giúp bảo quản chúng, vốn thường rất khó khăn.
Trang Phạm
Ötzi hay Utzi là một trong những xác ướp băng nổi tiếng nhất được phát hiện cho đến nay. Đây là xác ướp của một người đàn ông đã chết cách đây hơn 5000 năm trong thời kỳ đồ đá cũ. Mummy Juanita là một xác ướp băng nổi tiếng khác. Đây là tên được đặt cho hài cốt được bảo tồn của một cô gái trẻ Inca đã bị giết trong một cuộc hiến tế trong thế kỷ XVI trên dãy Andes.
Xác ướp băng được gọi là xác ướp tự nhiên vì chúng đã được bảo quản bằng các điều kiện tự nhiên. Những tử thi này không phải tuân theo quy trình ướp xác của con người, trái ngược với trường hợp xác ướp như ở Ai Cập.
Xác sơn dương hiện đang được đánh giá tại Phòng thí nghiệm Bảo tồn Nghiên cứu Eurac. Phòng thí nghiệm này dành riêng để tìm hiểu cách bảo quản các xác ướp đông lạnh. Xác sơn dương giúp các chuyên gia phát triển các hệ thống bảo quản có thể lưu giữ xác ướp và đặc biệt là DNA quan trọng.