Vung tiền thâu tóm bóng đá châu Âu, giới siêu giàu Trung Quốc làm được gì?

Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 15:14, 22/08/2020

Ngoài Inter Milan, một số đội bóng khác nhận đầu tư từ giới siêu giàu Trung Quốc cũng ghi được dấu ấn ở đấu trường châu Âu.

"Nhìn lại cả mùa giải, tôi coi đó là sự tích cực. Chúng tôi đã vào đến trận chung kết và tiến gần đến chiến thắng. Cách đây vài năm, chúng tôi chẳng thể tưởng tượng ra điều đó", tỷ phú người Trung Quốc Steven Zhang (Trương Khang Dương) phát biểu sau khi Inter Milan thua Sevilla ở chung kết Europa League đêm qua.

Steven Zhang - doanh nhân 29 tuổi người Trung Quốc, con trai ông chủ Suning Group, chủ sở hữu CLB Inter Milan trở thành chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử của Nerazzurri từ năm 2018 và bây giờ anh là người trẻ nhất sở hữu một đội bóng vào chung kết cúp châu Âu.

Vung tiền thâu tóm bóng đá châu Âu, giới siêu giàu Trung Quốc làm được gì? - 1

Steven Zhang là chủ tịch trẻ tuổi nhất trong lịch sử Inter Milan.

Á quân Serie A và Europa League là thành tích tốt nhất của Inter Milan kể từ khi đội bóng này về tay ông chủ người Trung Quốc. Dù vậy đây chưa phải là dấu ấn lớn nhất của người Trung Quốc kể từ khi các nhà đầu tư ở đất nước đông dân nhất thế giới bắt đầu vung tiền mua các CLB bóng đá châu Âu.

Từ năm 2015, Atletico Madrid có thêm một chủ sở hữu là Dalian Wanda Group. Tập đoàn Trung Quốc chi khoảng 45 triệu EUR mua lại 20% (sau đó bán đi 17%), cộng thêm khoản tiền không nhỏ để mua bản quyền tên sân vận động của CLB. Trong giai đoạn được Dalian Wanda Group đầu tư, Atletico Madrid giành được một chức vô địch Europa League.

Ở mùa giải 2019/20, một số đội bóng do người Trung Quốc sở hữu hoặc có bóng dáng nhà đầu tư Trung Quốc phía sau đã tạo ra được ấn tượng ở đấu trường châu Âu. Lyon, đội gây bất ngờ lớn khi loại Manchester City để lọt vào vòng bán kết UEFA Champions League, được "chống lưng" một phần bởi quỹ đầu tư IDG Ventures của Trung Quốc (20% cổ phần).

Wolverhampton Wanderers được sở hữu bởi Fosun International với ba ông chủ Guo Guangchang, Liang Xinjun, Wang Qunbin. Họ mua lại đội bóng Anh vào năm 2016. Một năm sau, CLB này giành quyền lên chơi ở Ngoại Hạng Anh và xếp thứ 7 trong hai mùa giải liên tiếp. Wolves dưới sự dẫn dắt của HLV Nuno Santo vào đến tứ kết Europa League mùa này.

Vung tiền thâu tóm bóng đá châu Âu, giới siêu giàu Trung Quốc làm được gì? - 2

Những ông chủ người Trung Quốc nâng tầm Wolverhampton thành ứng viên tranh suất dự cúp châu Âu ở Ngoại Hạng Anh.

Ngoài Wolves, Ngoại Hạng Anh còn có hai CLB khác được sở hữu bởi các nhà đầu tư Trung Quốc. Gao Lisheng nắm 80% cổ phần Southampton. Guochuan Lai là ông chủ của West Bromwich Albion với hơn 87% cổ phần. Tại La Liga, Granada do doanh nhân Trung Quốc Jiang Lizhang giành suất dự cúp châu Âu ngay trong mùa giải đầu tiên thăng hạng.

Tuy nhiên, trong số những ông chủ Trung Quốc vung tiền chơi bóng đá ở châu Âu, có những trường hợp thất bại hoặc phải rút lui. Espanyol, đội bóng do Chen Yansheng làm chủ tịch, xếp bét bảng La Liga.

Trước đó, tỷ phú Li Yonghong sau khi mua lại AC Milan rơi vào cảnh vỡ nợ, phải bán lại đội bóng này. Tony Xia sau khi mạnh tay chi tiền đưa Aston Villa trở lại Ngoại Hạng Anh cũng đang tìm cách bán lại cổ phần.