Tác dụng của gừng và những trường hợp chống chỉ định với gừng
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:56, 19/01/2021
Theo chuyên gia dinh dưỡng - bác sĩ Maria Chernyaeva của Nga, gừng là một loại thảo mộc giàu chất dinh dưỡng, nó chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi. Gừng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có đặc tính chống viêm, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp duy trì khả năng miễn dịch.
"Bạn có thể dùng gừng dưới mọi hình thức, thực phẩm này có nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe. Ví dụ, để bảo quản gừng quanh năm nên sấy hoặc phơi khô nó. Bạn có thể dùng củ gừng tươi, trộn với mật ong, thêm vào trà, pha chế các loại đồ uống khác nhau", bác sĩ Maria Chernyaeva lưu ý.
Ở các nước châu Á, các món súp hoặc canh có gừng tăng được mùi thơm của món ăn, người ta cũng làm gừng ngâm giấm chua ngọt.
"Gừng ngâm giấm chua ngọt được sử dụng trong ẩm thực phương Đông. Trong trường hợp này, gừng được sử dụng để thay đổi vị giác, có tác dụng kháng khuẩn, chống ký sinh trùng. Có cả các loại món kẹo gừng dẻo dẻo thơm thơm. Nếu bạn không mắc thừa cân và béo phì thì cũng được phép ăn kẹo gừng. Thực phẩm này duy trì các đặc tính chữa bệnh của gừng", bà Maria Chernyaeva giải thích.
Gừng hiếm khi gây ra các tác dụng phụ khi dùng quá liều. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng gừng, bác sĩ cảnh báo. Tốt nhất là dùng gừng như một gia vị cho những món ăn khác nhau và không nên ăn quá 80-100g một lần.
Tuy nhiên, theo bà, có cả những trường hợp chống chỉ định.
"Gừng có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc làm loãng máu bởi vì bản thân gừng có khả năng gây loãng máu. Ngoài ra, gừng có thể có tác dụng tiêu cực trong các bệnh về túi mật, vì nó làm tăng dòng chảy của mật. Nếu có biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày thì cũng không nên lạm dụng thực phẩm này", bác sĩ Maria Chernyaeva cảnh báo.