Cả nhà tưởng bị nhiệt miệng, hoá ra bệnh lây qua đường tình dục
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:00, 15/06/2020
Việt BáoTheo Bác sĩ Đào Hữu Ghi – Trưởng khoa bệnh da liễu Nam, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Herpes là một bệnh lây qua đường tình dục phổ biến hiện nay. Đặc biệt, nhiều trường hợp, bệnh này lây cho cả con cái.
Bất ngờ căn bệnh nhiệt miệng cả nhà cùng mắc
Bác sĩ Ghi cho biết, ông vừa tiếp xúc với một trường hợp cả gia đình bị “lở mồm” mãi không khỏi. Khi bác sĩ khám ra thì đó là bệnh Herpes sinh dục. Đó là trường hợp của gia đình anh N. T.L. 35 tuổi, ở Hà Nội.
Khi hai vợ chồng anh L. phát hiện có một vết phồng rộp ở miệng, ban đầu họ nghĩ cả nhà bị nóng quá nên nhiệt miệng. Tuy nhiên, sau đó hai bé trai sinh đôi nhà anh L. cũng bị tương tự.
Đến viện khám, họ mới biết đó là bệnh lây qua đường tình dục. Bố mẹ lây cho nhau, rồi vợ anh khi bị bệnh vẫn hôn con cái bình thường khiến hai bé song sinh 4 tuổi đều nhiễm Herpes sinh dục.
Vợ anh L. kể: hai bé cùng sốt, miệng phồng rộp, nhỏ dãi nhiều, ai cũng nghĩ bị nhiệt miệng nên cho bé ăn các đồ ăn mát. Khi khám ra, bác sĩ khuyến cáo vợ chồng anh L. cần điều trị bệnh triệt để và hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng để giảm nguy cơ mắc Herpes.
Bác sĩ Ghi cho biết việc quan hệ tình dục bằng miệng hiện nay khá phổ biến và đây chính là thủ phạm gây ra nhiều hiện tượng bệnh tình dục phát sinh ở miệng.
Nhiều trẻ phải vào khám cùng bố mẹ vì đều bị sùi mào gà ở miệng, herpes ở miệng do người lớn nhiễm bệnh và vô tình lây cho con. Theo bác sĩ Ghi, bệnh herpes môi do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Có 2 loại là HSV-1 và HSV-2. Cả 2 loại đều có thể gây loét xung quanh miệng (herpes labialis) và trên cơ quan sinh dục (herpes genital).
Herpes lây như thế nào?
Virus herpes simplex thường xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương trên vùng da xung quanh và bên trong miệng. Nó thường lan rộng khi ta tiếp xúc với vết phồng hoặc chất dịch nhiễm bệnh – như ăn chung, dùng chung dụng cụ hoặc dao cạo, hôn người bị bệnh hoặc tiếp xúc với nước bọt của người ấy. Cha mẹ bị bệnh thường lây bệnh cho con họ theo cách này. Herpes môi cũng có thể lan tới các vùng khác của cơ thể.
Triệu chứng đầu tiên là mụn rộp miệng, có thể bao gồm đau xung quanh miệng và môi, sốt, loét họng hoặc sưng hạch ở cổ hoặc bộ phận khác trên cơ thể. Trẻ em thường bị chảy nước dãi trước khi bị mụn rộp ở miệng. Sau khi vết phồng rộp xuất hiện, chúng thường bị vỡ ra, dịch trong chảy ra, sau đó đóng vảy và biến mất sau vài ngày đến 2 tuần. Đối với một số người, mụn rộp miệng có thể rất đau đớn.
Bác sĩ Ghi cũng cho biết, không có cách chữa cho bệnh mụn rộp miệng, cũng không có cách chữa trị cho virus gây bệnh herpes simplex (HSV). Hầu hết các mụn rộp sẽ biến mất. Nhưng dùng thuốc có thể làm giảm thời gian mắc bệnh và đôi khi ngăn chặn bệnh bùng phát trong tương lai. Điều trị bằng thuốc phụ thuộc vào việc bạn đang mắc bệnh khởi phát, tái phát hoặc đang cố gắng để ngăn chặn bệnh trong tương lai.
Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, bác sĩ Ghi cho biết, cha mẹ cần có những biện pháp giúp ngăn ngừa sự lây lan của herpes môi ở trẻ em như: vệ sinh tay thường xuyên, không để trẻ đưa đồ chơi vào miệng. Nếu trẻ em có biểu hiện mụn vỡ hay rỉ dịch, nên giữ ở nhà cho đến khi thấy mụn nước bắt đầu đóng vảy. Không để trẻ em tiếp xúc gần nhau trong khi có mụn rộp và chảy nước dãi không kiểm soát.