Giun lúc nhúc đâm thủng ruột người đàn ông Lào Cai
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:28, 13/05/2020
Nam bệnh nhân 36 tuổi, dân tộc Dao, ở huyện Bảo Yên, Lào Cai từng được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị 2 tuần do suy kiệt, mệt mỏi, mạch nhanh, đau bụng, mất nhiều máu nhưng 2 tuần vẫn không tìm được nguyên nhân, dù đã nội soi dạ dày, đại tràng.
Đầu tuần qua, bệnh nhân được chuyển đến BV E để tìm nguyên nhân.
Các bác sĩ khoa Nội tiêu hoá đã cho bệnh nhân truyền máu, truyền dịch nâng cao thể trạng, chỉ định chụp cắt lớp vi tính đa dãy, nội soi bóng đôi ruột non tìm bất thường.
Kết quả nội soi bóng đôi phát hiện có nhiều giun lúc nhúc bám trên niêm mạc ruột, đám giun đang hút máu gây nhiều điểm tổn thương trên ruột, gây chảy máu.
Các bác sĩ đã gắp giun và sinh thiết tổn thương cho bệnh nhân, trong đó có vị trí ruột non lúc nhúc gần 20 con giun trưởng thành đang bám.
Mẫu giun sau đó được gửi tới Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để định danh, kết quả khẳng định đó là giun mỏ.
Khi được bác sĩ thông báo, bản thân bệnh nhân và gia đình rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên họ nghe đến loại ký sinh trùng nguy hiểm này.
Bệnh nhân cho biết, công việc chính là trồng quế và cây ăn quả nên thường xuyên tiếp xúc với đất, nhưng lại không mang đồ bảo hộ, thậm chí hay nằm lăn trên nền đất ruộng để ngủ, ăn các loại rau rừng, măng chưa nấu chín, uống nước suối (chưa đun sôi) dù đi vệ sinh ra… suối.
Bệnh nhân không biết mắc giun mỏ lúc nào, chỉ biết cuối tháng 1/2020 có hiện tượng sụt cân, bụng thường xuyên xuất hiện những cơn đau dữ dội vùng thượng vị nên đã đi khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ.
ThS.BS Đặng Trung Thành, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV E cho biết, giun mỏ có đôi răng hình bán nguyệt sắc bén, ngoạm vào niêm mạc ruột để hút máu. Mỗi ngày, 1 con giun mỏ có thể hút 0,03 – 0,05ml/ngày.
Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông máu khiến tổn thương không thể cầm máu ngay cả khi giun đã chuyển sang ký sinh vị trí khác. Độc tố do giun tiết ra cũng ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu nên càng ngày, bệnh nhân càng mất nhiều máu.
Loại giun này nguy hiểm ở chỗ chúng vẫn tiếp tục hút máu ngay cả khi cơ thể đã trán đầy máu theo đường hậu môn của chúng. Với số lượng giun vài chục con, mỗi ngày bệnh nhân có thể mất vài ml máu.
Chu kỳ vòng đời của giun mỏ lên tới 10-15 năm nếu không được điều trị. Ấu trùng sống trong phân hoặc đất, thân cây, ngọn cỏ với khả năng leo cao tới 2m và xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc, qua đường ăn uống do uống nước nhiễm ấu trùng.
Khi vào cơ thể, ấu trùng sẽ theo tĩnh mạch về tim, phổi. Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun mỏ trưởng thành.
Theo BS Thành, do bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu nên việc phát hiện, chẩn đoán người bệnh mắc giun mỏ rất khó, dễ nhầm lẫn với một số bệnh thiếu máu do viêm loét dạ dày, tá tràng...
Để phòng tránh giun sán nói chung và giun mỏ nói riêng, BS Thành khuyến cáo, mọi người dân cần đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch, ăn chín uống sôi.
Người tiếp xúc trực tiếp với đất hàng năm phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun mỏ ít nhất 1 lần/năm. Khi đi làm đồng, cần có phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay, không dùng phân tươi bón ruộng, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân hợp vệ sinh. Ở những nơi ô nhiễm nặng, có thể rắc vôi bột để diệt ấu trùng.
Ngoài ra, người dân cần tẩy giun định kỳ từ 1-2 lần/năm.