Sáng 14/5: Thêm 30 ca mắc Covid-19, các ổ dịch ở Đà Nẵng đã được kiểm soát
Tin Y tế - Ngày đăng : 07:02, 14/05/2021
Các ca bệnh đều đã được cách ly
Những ca bệnh mới có số thứ tự từ BN3711-3740. Trong đó, 29 ca trong nước ghi nhận tại Bắc Giang (10), Bắc Ninh (6), Hà Nội (5), Lạng Sơn (4), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Đông Anh (1), Bệnh viện K (3).
Bộ Y tế một lần nữa khẳng định, sáng nay, nước ta không ghi nhận thêm ổ dịch mới. Các ca bệnh trong nước trên là F1 của những ca Covid-19 đã được công bố trước đó và đều được cách ly.
Ca bệnh BN3717 ghi nhận tại Hà Giang, là nữ, 34 tuổi, ở Vị Xuyên, Hà Giang được cách ly sau khi nhập cảnh từ Trung Quốc qua cửa khẩu Thanh Thủy. Ngày 10/5, bệnh nhân có biểu hiện sốt ho, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Giang.
Ngày 11/5 kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang cho kết quả nghi ngờ, mẫu được chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả ngày 12/5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Như vậy, tính đến 6h ngày 14/5, Việt Nam có tổng cộng 2.282 ca ghi nhận trong nước và 1.458 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 712 ca, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Số lượng mẫu xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 306.138 mẫu.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 77.648, trong đó:
Trong ngày 13/5 cũng có thêm 17.152 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, đến nay tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 959.182 mũi.
Ổ dịch Đà Nẵng đã được kiểm soát
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng vào sáng 13/5. Tuy nhiên, ông Quảng nói, thành phố không chủ quan mà tiếp tục triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tập trung vào các nơi nguy cơ cao để xác định nguồn lây trong cộng đồng.
Theo ông Quảng, Đà Nẵng hiện đầy đủ mọi điều kiện để chống dịch, từ sinh phẩm, các vật tư y tế và lực lượng lấy mẫu; năng lực xét nghiệm có thể đạt 15.000 mẫu mỗi ngày.
Trước đó, Đà Nẵng có bốn ổ dịch làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Cụ thể là ổ dịch Thẩm mỹ viện Amida làm lây Covid-19 cho 41 ca mắc trong cộng động và các tỉnh thành khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị…
Ngày 13/5, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng xác nhận đơn vị đã ra quyết định khởi tố thẩm mỹ viện này vì Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (theo điều 295, Bộ luật Hình sự) để điều tra.
Tối ngày 11/5, Đà Nẵng ghi nhận thêm ổ dịch thứ tư là khu công nghiệp An Đôn, quận Sơn Trà không rõ nguồn lây. Ổ dịch này bắt đầu từ cô gái là bệnh nhân 3545, làm tổng đài viên tại công ty Tường Minh. Sau khi cô gái có kết quả dương tính với nCoV, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã nhanh chóng phong tỏa khu công nghiệp, truy vết, xét nghiệm trong đêm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng đã phát hiện được 33F1 của bệnh nhân và 7000 mẫu xét nghiệm những người làm trong khu công nghiệp An Đôn và các hộ gia đình sống xung quanh. Đến nay có 34 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ địch này. 225 F1 liên quan đến 34 ca bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp còn lại đều có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Ông Quảng cho biết, hiện Đà Nẵng đã kiểm tra lại toàn bộ khu vực sản xuất, các biện pháp phòng dịch ở các khu công nghiệp trên địa bàn thì nhiều doanh nghiệp làm tốt việc phòng dịch, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thành phố cũng yêu cầu tất cả các khu công nghiệp phải có các tổ phòng chống dịch như Tổ Covid cộng đồng để kiểm tra, giám sát hàng ngày; xét nghiệm cho toàn bộ công nhân; ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của Trung ương và thành phố.
"Cũng có ý kiến cho rằng phải đóng cửa một số khu công nghiệp, nhưng quan điểm của lãnh đạo Thành uỷ là chưa cần thiết, vì sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Bây giờ việc cần làm vừa đảm bảo sản xuất, vừa kiểm soát được dịch", ông Quảng nói,
Trong những ngày tới, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kêu gọi người dân "không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường". Ông cho rằng, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp chống dịch nhưng quan trọng nhất vẫn là việc đồng thuận, chấp hành của người dân.
"Trong tình hình hiện nay, việc lây nhiễm trong cộng đồng chúng ta chưa đánh giá được còn hay không còn người mắc, nên người dân hạn chế trong tiếp xúc, di chuyển để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, người dân hạn chế ra đường sẽ giúp ích rất lớn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra việc di chuyển của các ca F0, nhanh chóng truy vết, khoanh vùng hiệu quả, hạn chế được lây nhiễm lan rộng. Do đó, việc ra lời kêu gọi này có ý nghĩa rất quan trọng trong chống dịch.