Trước khi qua đời, nghệ sĩ Chí Tài có hơn 30 năm chiến đấu với căn bệnh này

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 21:20, 09/12/2020

Việt BáoNghệ sĩ Chí tài luôn xuất hiện với bề ngoài nhiều sức sống, vui vẻ, hài hước nhưng ít ai biết ông đã phải điều trị bệnh tiểu đường suống 30 năm.

Nghệ sĩ Chí Tài từng chia sẻ, trong một lần kiểm tra sức khỏe năm 30 tuổi, ông phát hiện chỉ số đường huyết của mình vượt mức cho phép. Kể từ đó, nam nghệ sĩ đã phải điều chỉnh lại lối sống và chế độ ăn.

Nam nghệ sĩ luôn ý thức được việc bảo vệ sức khỏe. Ông từng chia sẻ về thói quen sống của mình rằng: "Tôi thức dậy từ lúc 4 giờ sáng và dành thời gian tập luyện thể thao đến tận 7 giờ. Có hôm thì tôi đi bộ 6 lần từ lầu 1 đến lầu 12, có ngày thì hít đất trên 300 cái, có ngày đi bộ ở sân đá bóng”.

Để trị bệnh tiểu đường, nghệ sĩ Chí Tài từng đã phải thay đổi rất nhiều thói quen. Đó là, nghệ sĩ Chí Tài đã phải giảm ăn đồ ngọt dù trước đó ông rất thích ăn chè và thường ăn nhiều cơm. Ngoài ra, ông bỏ ăn chất béo, ăn nhạt, bỏ hẳn nhậu và thuốc lá. Chú ý ăn nhiều rau, cá, đậu hũ...

Nam nghệ sĩ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ và siêng tập thể dục. Chí tài chia sẻ, mỗi ngày mình đều cố gắng tập chống đẩy (hít đất). Nam nghệ sĩ thực hiện 140-200 cái, chia thành 10 lần, mỗi lần 14-20 cái.

Ngoài ra, ông cũng từng chia sẻ mình thường có thói quen leo 36 tầng thang bộ mỗi ngày vì cách này giúp ông đổ mồ hôi và giảm chỉ số đường huyết một cách hiệu quả.

Nghệ sĩ Chí Tài cũng cho biết, ông không giảm khẩu phần ăn đột ngột mà điều chỉnh từ từ. Ví dú dụ giảm từ 5-6 chén cơm/bữa xuống dần 2-3 chén/bữa. Sau đó là 1 chén/bữa. Ngoài ra, mỗi ngày, nam diễn viên còn bổ sung thêm cho mình 1-2 ly sữa có công thức chuyên biệt, phù hợp với người tiểu đường.

Nghệ sĩ Chí Tài có hơn 30 năm chiến đấu với căn bệnh tiểu đường. Ảnh tư liệu.

Theo các bác sĩ, tiểu đường là một bệnh chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Đây là một loại bệnh rất hay gặp và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể.

Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh rồi vẫn chưa được điều trị tốt.

"Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường", ông Dàng chia sẻ. Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng ở tất cả khu vực trên thế giới. Bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Khoảng 425 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu và 159 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương, dự báo tăng lên 183 triệu người vào năm 2025.

Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi... Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.

Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô ngứa da... Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.

Yếu tố nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường là người béo phì thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg, buồng trứng đa nang... Để phòng bệnh, cần có lối sống lành mạnh, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress...

Bệnh tiểu đường, khi không được điều trị hiệu quả có thể đối mặt với biến chứng nguy hiểm sau:

+ Biến chứng mạch máu: Gây tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây vữa xơ động mạch. Nếu tổn thương mạch máu lớn có thể gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử.

Nếu tổn thương mạch máu nhỏ có thể gây ra rối loạn chức năng một số cơ quan như thận, tiết niệu, võng mạc mắt, nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến suy thận, mù lòa…

+ Biến chứng não: Có thể gây tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não.

+ Biến chứng hô hấp: Dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.

+ Biến chứng tiêu hoá: Bệnh nhân tiểu đường dễ bị viêm quanh răng, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.

+ Biến chứng thận, tiết niệu như suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.
Biến chứng thần kinh.

+ Biến chứng ở mắt như suy giảm thị lực.

+ Biến chứng ở da như ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng...

Cần làm gì để phòng ngừa bệnh tiểu đường?

+ Điều quan trọng là duy trì cân nặng hợp lý và cắt giảm lượng mỡ, tinh bột, đường trong khẩu phần ăn.

+ Chế độ ăn cần giảm đường, tinh bột và chất ngọt, thay thế bằng chất đạm từ thịt, cá, trứng và rau xanh, hoa quả. Nên lựa chọn những loại ngũ cốc còn nguyên màng cám, gạo không nên xát kỹ.

+ Không nên ăn quá no, có thể chia nhỏ các bữa ăn và nhai thật kỹ.

+ Cần hạn chế ăn mặn, dùng nước ngọt có ga, bánh kẹo...

+ Tập luyện thể thao đúng và hợp phù hợp mình.

+ Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cũng là cách để bạn ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ngọc Hân (T/H)