Ung thư đường tiêu hóa rình rập chỉ vì lười... đánh răng
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 06:47, 19/11/2020
Kết luận của nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ hai công trình khoa học trước đó về vai trò của hệ vi sinh vật miệng trong ung thư dạ dày và mối liên hệ tiềm ẩn giữa vi khuẩn miệng và ung thư thực quản.
Theo đó, tiền sử bệnh nha chu có thể làm tăng 52% nguy cơ ung thư dạ dày và 43% nguy cơ ung thư thực quản.
Cũng theo nghiên cứu, những người bị mất từ 2 chiếc răng trở lên cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với người không bị mất răng. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư dạ dày và ung thư thực quản sẽ tăng lần lượt là 33% và 42%.
TS Mingyang Song, đại diện nhóm tác giả, cho biết: “Những người bị bệnh nha chu và mất răng có nguy cơ mắc hai loại ung thư đường tiêu hóa này cao hơn so với nhóm đối chứng. Điều này đúng ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác ”.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phân tích mối liên quan giữa tiền sử bệnh nha chu và mất răng ở 98.459 phụ nữ và 49.685 nam giới với nguy cơ ung thư thực quản và dạ dày.
Trong khoảng thời gian theo dõi (kéo dài 22 - 28 năm). Họ ghi nhận 199 trường hợp khởi phát ung thư thực quản và 238 trường hợp khởi phát ung thư dạ dày.
Theo phân tích của nhóm tác giả, tình trạng viêm nhiễm do bệnh nha chu có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư.
Cụ thể, người mắc bệnh nha chu thường xuyên phải đối mặt với tình trạng viêm nhiễm, đây là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sức khỏe răng miệng kém cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng và nướu, có thể dẫn đến ung thư.
“Một số vi khuẩn và các mầm bệnh dẫn đến tình trạng rụng răng và bệnh nha chu cũng liên quan đến các khối u dạ dày và thực quản. Tình trạng này càng kéo dài, sức khỏe nướu càng giảm thì nguy cơ ung thư lại càng cao”, TS Mingyang Song phân tích.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta nên thực hiện khám răng và nướu định kỳ 6 tháng/ lần. Việc này sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn như: sâu răng, răng bị xỉn màu,viêm nướu, viêm tủy,…
Để phòng ngừa bệnh tật, bạn nên tập cho mình thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày với những nguyên tắc sau:
- Đánh răng đúng cách: Theo các nha sĩ nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Một điều lưu ý, nếu bạn đã ăn hoặc uống các loại thực phẩm chứa nhiều axit như: cam, quýt, chanh,rượu,...trước đó, thì nên chờ ít nhất 30 phút mới đánh răng để tránh men răng bị tổn thương.
- Vệ sinh lưỡi: Lưỡi là nơi chứa rất nhiều thức ăn thừa và vi khuẩn. Vì vậy, vệ sinh lưỡi hàng ngày là một trong những biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Vệ sinh bằng cách nhẹ nhàng chải lưỡi bằng bề mặt sau của bàn chải đánh răng để “dọn” sạch đi lớp chất bẩn còn bám lại trên bộ phận này.
- Súc miệng thường xuyên: Sau khi đánh răng, bạn nên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng để loại bỏ những vi khuẩn còn sót lại trong khoang miệng.