Sau bữa ăn trưa, người đàn ông 40 tuổi phải nhập viện cấp cứu

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:19, 21/09/2020

Việt BáoBữa ăn trưa hôm đó, ngoài cơm canh, anh Q. còn có món yêu thích là bao tử cá mặt thỏ. Vừa ăn xong, anh bị tê khắp người kèm nôn ói.

Ngày 21/9, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cho biết, nơi đây, vừa cấp cứu cho bệnh nhân NTQ, 40 tuổi bị ngộ độc bao tử cá mặt thỏ.

Anh Q. nhập viện ngày 18/9. Người bệnh cho biết, trưa hôm đó, anh tự nấu ăn trưa tại nhà. Ngoài cơm, canh bữa ăn của anh còn có món bao tử cá mặt thỏ. Đây là món thường ngày anh vẫn chế biến để ăn.

Tuy nhiên, hôm đó, vừa ăn xong, anh bị nôn ói, thấy tê trong khoang họng, rồi dần dần bị tê mặt, tay chân. Thấy bất thường, anh nhờ một người bạn đưa đến Bệnh viện Quận 2 cấp cứu.

Bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, anh Q. nhập viện vtrong tình trạng tỉnh, co giật nhẹ, yếu liệt tay chân, thở khó, than đau, tê vùng đầu, mặt, nói đớ. Chỉ 10 phút sau, anh hoàn toàn mất tri giác, hôn mê sâu, liệt hoàn tay chân, tím tái, đồng tử giãn, không phản xạ ánh sáng. Ngay lập tức, bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và hội chẩn quyết định lọc máu.

May mắn, anh Q. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên hiện đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC.

“Người bệnh vừa nói xong câu có ăn bao tử cá mặt thỏ rồi hôn mê. Chúng tôi cho rằng, người bệnh bị ngộ độc Tetrodotoxin, độ 3, 4 nên cho lọc máu hấp thu chất độc để cứu bệnh nhân”, bác sĩ Thanh nói.

May mắn, anh Q. nhập viện kịp thời nên tối cùng ngày, người bệnh dần hồi tỉnh, có thể nhúc nhích được ngón tay, chân.

Bác sĩ Thanh cho biết, hiện sức khỏe anh Q. đã ổn định, được rút nội khí quản, bên cạnh đó sức cơ hồi phục hoàn toàn, tiếp xúc tốt. Các sỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát người bệnh thêm một thời gian để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra, vì lượng độc tố trong bao tử cá mặt thỏ anh Q. ăn phải quá mạnh.

Mới đây, tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng, Viện Hải dương học (Nha Trang) cho biết, tetrodotoxin là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật. Độc tố này đã được biết đến trong nhiều loài cá nóc biển ở Việt Nam.

Độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, có thể tồn tại trong các hải sản đã chế biến, sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Triệu chứng ngộ độc do ăn ốc biển độc thường: tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng. Người bị nặng sẽ co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. Nguồn gốc độc tố khá phức tạp.