4 người ngộ độc tinh dầu nhiều gia đình có điều kiện dùng, bác sĩ có những cảnh báo đặc biệt

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:14, 10/04/2021

Việt BáoBuổi sáng ngủ dậy trong căn phòng có cắm máy xông tinh dầu, gia đình 4 người ở Hòa Bình có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Trong đó, người chồng có triệu chứng nặng hơn so với các thành viên còn lại.

Cả gia đình phải nhập viện

Vợ chồng anh Hoàng (tên bệnh nhân đã thay đổi), ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Khoảng 10 ngày trước, gia đình anh mua một bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi có nhãn hiệu nước ngoài, không không có chữ tiếng Việt.

Ngày 6/4, anh Hoàng mang máy này để trong phòng ngủ. Sáng hôm sau ngủ dậy, cả 4 thành viên trong gia đình anh đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Trong đó, anh Hoàng có triệu chứng nặng hơn so với vợ và hai con.

TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gia đình anh Hoàng với chẩn đoán ngộ độc vì sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi.

Lọ tinh dầu gia đình anh Hoàng dùng để xông trong phòng ngủ. Ảnh: BSCC.

Sau 3 ngày điều trị, hai con anh Hoàng (bé gái 3 tuổi và bé trai 8 tuổi) sức khỏe đã ổn định, được gia đình theo dõi và chăm sóc ở nhà. Còn hai vợ chồng anh Hoàng vẫn còn nằm viện, các triệu chứng ngộ độc đã giảm. Trong đó, người chồng có triệu chứng nặng hơn (do có số ngày tiếp xúc với máy xông tinh dầu đuổi muỗi nhiều hơn) và được các bác sĩ theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.

Chưa rõ ngộ độc thành phần nào của tinh dầu

Bác sĩ Tình cho biết, tình trạng ngộ độc của gia đình anh Hoàng rất mới, chưa rõ bệnh nhân bị ngộ độc thành phần nào trong lọ tinh dầu nên chỉ tập trung điều trị triệu chứng. Những ngày tới, bệnh viện sẽ gửi lọ tinh dầu đi xét nghiệm để làm rõ thành phần.

Bác sĩ Tình nhấn mạnh, hiện trên thị trường bán rất nhiều loại tinh dầu được quảng cáo có tác dụng đuổi muỗi, người dân cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt các loại dầu không rõ nguồn gốc.

“4 bệnh nhân trên là những trường hợp ngộ độc tinh dầu đuổi muỗi đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.Tốt nhất không nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thường xuyên và tuyệt đối không đặt thiết bị này trong phòng đóng kín cửa”, bác sĩ Tình khuyến cáo.

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, tinh dầu là hương thơm trị liệu, được dùng ở nhiều nước, nhất là các nước vùng Trung Đông. Khi hít vào, tinh dầu tác động vào hệ thần kinh trung ương, kích thích thần kinh não bộ, giúp con người hưng phấn, chống mỏi mệt, có tác dụng thư giãn sau khi làm việc mệt mỏi, căng thẳng.

Tinh dầu tác động qua khứu giác lên hệ thần kinh con người rất nhanh nên ai ngửi được mùi hương sẽ thấy thích, thoải mái, ai không ngửi được, dị ứng, cơ thể tự phản ứng ngay nên không có chỉ định và chống chỉ định.

Bác sĩ Tình cho biết, anh Hoàng tiếp xúc với máy xông tinh dầu nhiều nhất nên nặng hơn, vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BSCC.

Bàn về việc sử dụng tinh dầu, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, phó trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM),  khuyến cáo: “Người dùng tinh dầu phải quan tâm đến nguồn gốc, nơi sản xuất, nhập khẩu phải có chứng nhận nguồn gốc nước sở tại hoặc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, với những sản phẩm do người bán tự sản xuất thì khó kiểm soát".

Trong khi đó, bác sĩ Phan Quốc Bảo, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2 (TP.HCM), cho biết từng gặp bệnh nhân bị dị ứng với dầu - cũng là một loại tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với da - gây viêm loét da mà không biết, khi vết thương tổn thương sâu dần mới gặp bác sĩ.

Theo bác sĩ Bảo, tùy theo cơ địa của mỗi người có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm khác nhau. Việc sử dụng tinh dầu nồng độ cao có thể gây ra phỏng. Đặc biệt, với người có bệnh hen suyễn mãn tính, da dễ phản ứng nhạy cảm, gia đình có trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh dầu.

Với sản phẩm có mùi hương trôi nổi trên thị trường không được kiểm duyệt thì người tiêu dùng không nên “nhẹ dạ cả tin” là sản phẩm 100% tự nhiên mà sử dụng vô tội vạ, bởi nếu hít lâu ngày sẽ tích tụ độc tố và gây hại cho cơ thể.

Phương Linh