Sau bữa tiệc, người đàn ông đột ngột ngưng tim, ngưng thở
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:06, 05/04/2021
Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho nam bệnh nhân V.M.H, 42 tuổi nghi sốc phản vệ do thuốc.
Tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh, bệnh nhân chia sẻ, trước đó vài giờ có uống rượu bia trong một đám tiệc và thấy ngứa nên tự lấy thuốc mua sẵn uống. Sau đó, trên đường chạy xe về nhà, người bệnh thấy choáng váng, khó thở rồi gục xuống không biết gì.
BS.CKI. Đỗ Minh Mẫn – Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu cho biết, bệnh viện nhận được tin bệnh nhân H. nằm bất tỉnh trước cổng bệnh viện, tối 26/3. Lúc được đưa vào bệnh viện, anh H. đã hôn mê ngưng thở, tím tái, mạch bẹn không bắt được.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành xoa bóp tim liên tục, đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở cho bệnh nhân. Sau khoảng 5 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đập trở lại, tay chân bắt đầu cử động nhẹ.
Bệnh nhân nguy kịch nhanh, nếu không phán đoán đúng và xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong cao. Từ các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, chỉ định tiêm ngay thuốc Adrenaline pha loãng - vũ khí cấp cứu sốc phản vệ, cùng nhiều thuốc hỗ trợ khác. Bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, có lại mạch, huyết áp, tri giác cải thiện dần.
Sau vài giờ tiêm Adrenaline, bệnh nhân có mạch bẹn huyết áp đo được 70/50 mmHg, tri giác cải thiện dần, tiếp tục hồi sức sau đó huyết áp trở về bình thường 120/70 mmHg, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tỉnh táo hoàn toàn. Theo dự kiến, vài ngày tới bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Theo bác sĩ Mẫn, có nhiều dị nguyên gây ra phản ứng phản vệ như thuốc men, thức ăn có nguồn gốc từ động vật, nọc độc côn trùng đốt hoặc chích, không khí ô nhiễm, khói bụi, mùi hương, phấn hoa, … Trong đó, thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây sốc phản vệ cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng thuốc nhất là trên những người có cơ địa dị ứng. Khi có vấn đề về sức khỏe nên đi khám và sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.