5 người đột quỵ khi thời tiết giao mùa, bác sĩ có những cảnh báo đặc biệt

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 05:00, 15/03/2021

Việt BáoNhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, nguy cơ gây ra những cơn cao huyết áp kịch phát, dẫn đến vỡ mạch não, hoặc các túi phình mạch não.

Thời tiết giao mùa, liên tiếp có người nhập viện vì đột quỵ

BS.CKI. Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng ninh cho biết, trong một tuần qua khoa tiếp nhận và điều trị thành công cho 5 trường hợp bị đột quỵ nặng. Trong đó, có 3 ca tắc động mạch não, 2 ca vỡ phình động mạnh não.

Trường hợp thứ nhất là anh Đ.Q.T (35 tuổi), ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh chưa từng mắc các bệnh mãn tính. Trong tuần vừa qua, có biểu hiện tê yếu nửa người, chóng mặt, đau đầu dù trước đó không có tiền sử mắc các bệnh mãn tính nên được người nhà đưa đến Trung tâm y tế Hải Hà cấp cứu.

Hình ảnh chụp túi phình kích thước lớn, nếu vỡ có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.Ảnh: BVCC.

Sau khi có chẩn đoán nhồi máu não, bệnh nhân được chuyển đến và lập tức được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh động mạch não bị tắc. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối tái thông lòng mạch cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật được thực hiện thành công. Hiện sức khỏe người bệnh đang dần cải thiện.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân N.T.H (61 tuổi), ở phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long có tiền sử rối loạn tiền đình nhiều năm, không có tiền sử dị ứng.

Người nhà bệnh nhân cho biết, hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, cảm giác đồ vật xoay tròn, tăng lên khi thay đổi tư thế, buồn nôn, nôn ra thức ăn, không sốt, vệ sinh bình thường. Bà H. được các con nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não cho thấy, hình ảnh túi phình động mạch cảnh trong phải kích thước 6,8x9,3 mm, cổ rộng 5,4 mm. Các bác sĩ nhận định, túi phình của người bệnh có kích thước “khổng lồ”, cấu trúc phức tạp sẽ rất nguy hiểm nếu nó bị vỡ.

Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ tiến hành can thiệp để nút túi phình mạch cảnh bằng phương pháp can thiệp nội mạch tối thiểu. Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục sức khỏe tốt, đi lại được ngay sau can thiệp, chỉ đau nhẹ vết mổ.

Sau can thiệp với kết quả tốt, bệnh nhân phục hồi nhanh và tập vận động cùng người nhà để có thể sớm xuất viện. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Chức cho biết, ngoài hai bệnh nhân trên, trong tuần qua khoa còn tiếp nhân 3 trường hợp đột quỵ não nguy kịch. May mắn, các trường hợp được cấp cứu kịp trong “giờ vàng” nên được can thiệp thành công. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân phục hồi nhanh, ít biến chứng.

Dễ bị đột quỵ khi giao mùa

Bác sĩ Chức cho biết, thời gian này, thời tiết đang giao mùa, thời tiết nóng lạnh, thay đổi thất thường nên có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, nguy cơ gây ra những cơn cao huyết áp kịch phát, dẫn đến vỡ mạch não, hoặc các túi phình mạch não.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cho rằng, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột, lúc hanh khô, khi ẩm ướt ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong cơ thể.

Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 4-6 bệnh phối hợp, sức đề kháng suy giảm nên dễ đổ bệnh. Nhiều người có thói quen ra ngoài tập thể dục từ rất sớm, thời tiết thay đổi nên có thể gây đột quỵ, tai biến mạch máu não. Bệnh thường xuất hiện bất ngờ, khó chẩn đoán.

Bệnh nhân vô cùng phấn khởi sau khi được các bác sĩ cứu thoát khỏi cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ khuyến cáo trong những ngày thời tiết lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che hoặc, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm... Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức.

Tự theo dõi huyết áp của mình nếu có thể, lắng nghe cơ thể để biết cách bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Trong đó, thói quen ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng huyết áp. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 10 g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Ăn muối dưới 5 g mỗi ngày. Ăn nhạt có thể giúp giảm huyết áp. Giảm dầu mỡ trong chế biến món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

Theo bác sĩ, người có dấu hiệu đột quỵ nên đặt nằm cao đầu, nằm nghiêng một bên nếu có nôn, rối loạn ý thức. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, lau sạch chất nôn, đờm dãi rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế ngay.

"Thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị đột quỵ, tai biến là 3 giờ đầu. Trong 6 giờ kể từ khởi phát, người bệnh cần phải được can thiệp kịp thời, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng", bác sĩ Trung Anh cho biết.

Phương Linh