Uống nước, thuốc nam để sỏi trôi ra ngoài, anh thanh niên mất quả thận

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:45, 15/12/2020

Việt Báo5-6 năm trước, đi siêu âm, anh Đ. biết mình có một viên sỏi nhỏ, nhưng không điều trị mà nghĩ chỉ cần uống thuốc nam, uống nhiều nước là sỏi trôi ra ngoài. Vì sự chủ quan đó làm anh phải mất đi một quả thận.

Anh Đ. 33 tuổi, hiện đang điều trị bệnh thận tại Khoa Ngoại Tiết Niệu, Bệnh viện 19-8. Anh cho biết, trước đây, anh thường đi khám sức khỏe định kỳ.

Khoảng 5-6 năm trước, qua siêu âm, anh biết bản thân có sỏi trong đường tiết niệu, nhưng kích thước nhỏ. Nghe vị bác sĩ khuyên, chỉ uống nước đầy đủ là những viên sỏi sẽ trôi ra ngoài nên anh làm theo.

Sau đó, anh thấy đau ở bụng bên phải. Lo sợ bị ruột thừa, anh đi khám thì phát hiện viên sỏi nhỏ kẹt lại trong niệu quản phải. Bác sĩ chỉ định nhập viện để làm một số chụp chiếu thăm dò. Tuy nhiên, anh Đ. thấy mình không phải bị ruột thừa nên nghĩ không bị vấn đề gì và xin về.

“Mấy năm qua dùng thuốc Nam, thấy không vấn đề gì, tôi nghĩ rằng viên sỏi nhỏ này chỉ cần dùng thuốc Nam tiếp là được”, anh Đ chủ quan. Anh không ngờ, cơn đau bụng ngày càng tăng nên đến Bệnh viện 19-8 khám.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cắt thận cho anh Đ. Ảnh: BVCC.

Kết quả chụp Cắt lớp vi tính, thận bên phải của anh Đ. bị giãn ứ nước độ IV. Nguyên nhân lại đến từ chính viên sỏi “nhỏ” mà anh đã bỏ qua cách đây 2 tháng.

Kết quả Xạ hình thận cho thấy, thận phải người bệnh đã hoàn toàn mất chức năng. Sau khi được sự đồng ý của người bệnh, các bác sĩ chỉ định nội soi cắt quả thận phải cho anh Đ.

Ths.BS Mai Tiến Dũng, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ cho biết, sau khi tiếp cận quả thận phải căng giãn to, các bác sĩ hút ra được khoảng 3 lít nước tiểu đục ứ đọng từ lâu trong quả thận. Tình trạng này nếu để lâu thêm, có nguy cơ sẽ chuyển thành ứ mủ, gây nên một bệnh cảnh rất nặng nề cho bệnh nhân. “Bệnh nhân chỉ mới 33 tuổi mà phải cắt đi quả thận, thật đáng tiệc”, bác sĩ Dũng nói buồn.

Ca phẫu thuật kết thúc thuận lợi. Sau phẫu thuật, người bệnh được chuyển về hậu phẫu và điều trị tại Khoa Ngoại Tiết niệu. Sau 3 ngày bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.

Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản làm tắc nghẽn khiến thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.

Có tới 80% sỏi niệu quản do sỏi từ thận rơi xuống. Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do các dị dạng niệu quản làm tăng yếu tố nguy cơ làm ứ đọng nước tiểu, từ đó dẫn tới lắng đọng tinh thể kết tụ thành sỏi. Các dị dạng niệu quản thường gặp là: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ...

Nguyên nhân thường do uống ít nước, pH nước tiểu thấp, một số sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các nguyên nhân dẫn đến cô đặc nước tiểu là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình hình thành sỏi.

Sỏi kẹt trong niệu quản có thể được điều trị chỉ bằng các thuốc giãn cơ trơn, hoặc tăng lưu lượng dòng nước tiểu. Nếu như nhận thấy viên sỏi không thể bị tống xuất ra ngoài một cách tự nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản bằng laser, vừa giải quyết triệt để viên sỏi trước khi quả thận bị căng giãn, vừa không có sẹo mổ mà hồi phục lại nhanh chóng.

Phương Linh