Thêm 3 người bị bệnh Whitmore, Bộ Y tế ra thông báo khẩn
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 06:35, 21/11/2020
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân Whitmore. Trong đó, từ đầu tháng 11 đến nay có 6 bệnh nhân.
Hiện có 3 người bệnh đang điều trị tại trung tâm. Các bệnh nhân đến từ Sơn La, Nghệ An và Hà Tĩnh. Họ đều trên 50 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng và bị áp xe phổi. Các biểu hiện ban đầu là sốt cao, sưng đỏ ở vị trí có vi khuẩn tấn công.
Người bệnh thứ nhất là ông T.V.T, 67 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, làm nghề nông, thường lội nước, ao hồ. Ông bị bệnh Whitmore khoảng một tháng nay.
Ban đầu, người bệnh có biểu hiện sốt, sưng đau khớp gối phải. Trước khi nhập viện một tuần, người bệnh xuất hiện sưng đau tăng, sốt cao 39-40 độ C.
Sau khi nhập viện địa phương không đỡ sốt, ông được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai ngày 6/11. Tại đây, kết quả cấy máu và cấy dịch mủ gối ra vi khuẩn B.pseudomallei nên người bệnh được đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị theo phác đồ của bệnh Whitmore.
Người bệnh thứ hai là ông M.V.C, 56 tuổi, ở huyện Bắc Yên, Sơn La. Trước khi vào viện 3 tuần, bệnh nhân thấy sưng nóng đỏ khớp gối phải, hạn chế vận đồng. 3 ngày sau thì sốt cao 39-40 độ C, sốt nóng kèm rét run, ngày 2-3 cơn.
Khi điều trị ở bệnh viện địa phương được 10 ngày, người bệnh cắt sốt, khớp gối phải bớt sưng nóng đỏ. Tuy nhiên, sau 5 ngày ra viện, bệnh nhân lại sốt cao với tính chất như trên, kèm sưng đau khớp gối tăng dần, không đi lại được.
Ban đầu, khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh được chẩn đoán viêm khớp do vi khuẩn tụ cầu. Sau vài ngày điều trị, kết quả cấy máu ra vi khuẩn Whitmore và được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Người bệnh thứ ba ở Hưng Nguyên, Nghệ An được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 16/11.
Phó giáo sư Cường cho biết, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Bệnh này được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9-11.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường, gout, suy giảm hệ miễn dịch..., có nguy cơ mắc và bị nặng hơn. Những người lao động chân tay, tiếp xúc thường xuyên với bùn, đất như nông dân cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Ngoài ra, trẻ em dễ mắc khi chúng vô tình tiếp xúc bùn đất, vi khuẩn trên đồ chơi.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Dù bệnh không thành dịch nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Do mức độ nguy hiểm của bệnh, Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, các ca bệnh Whitmore có thể xuất hiện thêm.
Để chủ động phòng, chống bệnh Melioidosis, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, gửi công văn tới lãnh đạo 9 tỉnh, thành ở miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) chủ động có phương án đối phó.
Bộ yêu cầu các địa phương trên tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis (Whitmore), phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ và nhóm có nguy cơ cao. Đây là chìa khóa then để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có người mắc bệnh Melioidosis.
Bộ cũng yêu cầu cơ sở y tế tại các địa phương tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do Melioidosis. Đồng thời, các đơn vị y tế cần tổ chức điều tra, phân tích dịch tễ những trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Song song đó, các chuyên gia cần phân tích nguy cơ và đưa ra biện pháp phòng chống bệnh Melioidosis.
Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để người dân hiểu về nguy cơ mắc, cách phòng, chống và chủ động ngừa dịch. Các trường hợp nghi mắc cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để khá, điều trị.