Rửa máy xay thịt, nam thanh niên bị cuốn tay vào cối ngập đến vai
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 04:30, 11/11/2020
Anh C. quê Quảng Nam, đến TP.HCM làm thuê tại khu vực Mã Lò, quận Bình Tân. Sáng hôm xảy ra tai nạn, như thường lệ, anh rửa máy xay thịt để chuẩn bị cho ngày làm việc thì tai nạn xảy ra.
Ngay sau đó, anh C. được đưa đến bệnh viện gần nơi làm cấp cứu. Tại đây, anh được được truyền 1 chai Paracetamol để giảm đau lúc sơ cứu. Sau đó, anh được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Các bác sĩ phải dùng thêm morphin giảm đau cho anh C.
BS.CK2 Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại cho biết, anh C. đến bệnh viện cùng với cánh tay bị cuốn vào máy ngập đến vai, gây khó khăn cho công tác gây mê.
“Lúc đầu, chúng tôi cho gây tê tại chỗ và định cắt bỏ cái mâm của cối xay để kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân. Nhưng cái mâm bằng inox rất dày, nếu cắt sẽ không khả thi, có khi sức nóng khi cắt làm bỏng bệnh nhân”, bác sĩ Khương kể.
Các bác sĩ quyết định đưa cả bệnh nhân và phần cối xay vào phòng mổ. Bệnh nhân được cho giảm đau đa mô thức gồm gây tê tại chỗ bằng thuốc giảm đau, an thần tĩnh mạch... và phải đảm bảo kiểm soát được hô hấp.
Do chiếc mâm của máy xay thịt quá lớn, các bác sĩ không thể đặt nội khí quản được, mà phải đặt mask thanh quản. Tiếp đến, bệnh nhân được cho ngủ, giảm đau, cắt bỏ phần tay lồi ra ngoài cái cối. Bác sĩ Khương cho biết, đây là công đoạn khó khăn, vì phải xoay ngược trục của cối xay ra. Song song đó, 2-3 nhân viên nâng anh C. lên nhấc ra khỏi cối. Sau đó, bệnh nhân được cố định mask thanh quản và tiếp tục được tiến hành gây mê.
Cuối cùng, với sự khéo léo của các y bác sĩ, ca phẫu thuật cho anh C. cũng thành công.
Bác sĩ Khương khuyến cáo, khi làm việc (đặc biệt là vận hành máy móc), mọi người phải thực hiện nghiêm túc an toàn lao động, luôn giữ trạng thái tỉnh táo. Với các loại máy xay, miệng cối xay phải có phương tiện bảo vệ. Nếu đang xay thịt thì dùng công cụ hỗ trợ như cây đũa dài. Tuyệt đối không được dùng tay lùa thịt xuống miệng cối để tránh tai nạn xảy ra.