Ngã xe đạp, lá lách người phụ nữ 60 tuổi bị vỡ đôi

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:47, 19/09/2020

Việt BáoSau khi ngã xe đạp, bà BNN, 60 tuổi, huyện Ba Vì, Hà Nội đau bụng dữ dội vùng bụng trái nên được người nhà đưa đến bệnh viện.

BS.CKII Phạm Tiến Dung, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây (Hà Hội) cho biết, Khoa Cấp cứu tiếp nhận người bệnh tối ngày 17/9 trong tình trạng sốc mất máu mạch nhanh 1101/p, huyết áp 80/40 mmHg, da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng dữ dội, đau ngực.

Người nhà cho biết, trước đó, người bệnh đi xe đạp và bị ngã. Các bác sĩ chẩn đoán, người bệnh bị sốc mất máu do vỡ lách độ IV, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn 6 bên trái, tràn ngập máu ổ bụng. Người bệnh nhanh chóng được mổ cấp cứu.

Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Dung cho biết, sau mổ bụng bệnh nhân, bác sĩ thấy có 1800ml máu tươi lẩn máu cục ngậm trong ổ bụng, lách bị vỡ làm đôi. Các bác sĩ tiến hành cắt lách, cho truyền máu và các chế phẩm máu cho người bệnh.

Ca mổ được đánh giá thành công. Hiện, người bệnh đã tỉnh táo. Các dấu hiệu sinh tồn ổn định, da niêm mạc hồng.

Theo bác sĩ Dung, lá lách là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong các chấn thương đụng, dập vào vùng bụng. Một trong các nguyên nhân thường gặp là bị tai nạn giao thông, chơi thể thao, bị hành hung.

Vỡ lách thường gây chảy máu vào ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ. Có tới 60% bệnh nhân chấn thương lách không có thương tổn kèm theo chứng tỏ mức độ dễ thương tổn của lách

Người bệnh có thể sống mà không cần lá lách. Tuy nhiên, vì lá lách đóng vai trò quan trọng trong khả năng chống lại một số vi khuẩn nhất định, nên không có nội tạng này sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.

Do đó, người bệnh nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, vắc-xin não mô cầu và vắc-xin Hib. Những vắc-xin này thường được tiêm trước 14 ngày khi người bệnh được cắt lách, hoặc 14 ngày sau phẫu thuật.

Ngọc Hân