COVID 19: Cố vấn cấp cao Iran tử vong; Tế bào gốc chữa lành bệnh?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:40, 03/03/2020
Báo Vietnamnet đưa tin, một cố vấn cấp cao thân cận của Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã qua đời hôm 2/3 ở tuổi 71, sau khi mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra.
Ông Mohammad Mirmohammadi, thành viên Hội đồng Phân xử Khẩn cấp thuộc Chính phủ Iran, đã tử vong tại một bệnh viện ở thủ đô Tehran. Ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Iran tử vong do căn bệnh này. Iran hiện là quốc gia có số người tử vong do Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
Cho đến hôm 2/3, 66 người đã tử vong vì căn bệnh này ở Iran, nơi có hơn 1.500 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận.
Một số quan chức cấp cao khác cũng đã bị nhiễm bệnh, bao gồm Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar và ông Iraj Harirchi, người phụ trách nhóm đặc nhiệm chống virus do chính phủ thành lập. Ông Harrirchi ban đầu đã cố coi nhẹ tính khẩn cấp của dịch bệnh.
Phát ngôn viên của chính phủ Ali Rabiei thừa nhận rằng, Iran đang phải đối đầu với nhiều thử thách. “Chúng ta sẽ có 2 tuần rất khó khăn ở trước mặt”, ông nói.
Iran đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến do Bộ Ngoại giao chủ trì. Tại đây, phát ngôn viên Abbas Mousavi cho biết, nước này đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng 2/3 cho hay, số ca mới nhiễm Covid-19 ở đại lục đã giảm mạnh. Trong khi đó, những trường hợp mới nhiễm virus corona trên thế giới vẫn tăng cao.
Reuters dẫn thống kê của nhà chức trách Trung Quốc cho thấy, ở đại lục, có 202 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới ngày 1/3, giảm so với 573 ca nhiễm mới một ngày trước đó. Như vậy, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc hiện là 80.026, số ca tử vong là 2.912 tính đến cuối ngày 1/3 – tăng 42 người so với ngày 29/2.
Các bệnh nhân hiện đã hồi phục mau chóng rời các bệnh viện mới xây, các điểm cách ly ở Trung Quốc. Số các ca nhiễm mới ở Trung Quốc trong 24h qua đứng ở mức thấp nhất từ ngày 21/1. Trong khi đó, một loạt mặt trận mới chống Covid-19 được mở ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở Mỹ, nhà chức trách y tế ghi nhận 80 ca nhiễm mới ngày 1/3, với hai trường hợp tử vong. Sáng nay (2/3), Indonesia cũng xác nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này. Hai trong số người nhiễm mới là bị lây bệnh từ một du khách ngoại quốc.
Ở Nhật, hàng triệu trẻ em hôm nay nghỉ ở nhà trong khi nhà chức trách vật lộn chống dịch Covid-19.
Tại Hàn Quốc, Italia và Iran, số người nhiễm mới tiếp tục tăng cao.
Tại thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc là Daegu, hệ thống y tế tại đây đã bị quá tải bất chấp việc chính phủ đã phái trợ giúp. Vấn đề ở Daegu đã được nêu bật khi ít nhất 4 người cao tuổi nhiễm Covid-19 qua đời trong khi chờ được nhập viện.
Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip cho hay, từ giờ trở đi, bệnh viện sẽ dành chỗ cho những người có triệu chứng nặng hoặc có bệnh lý nền. Với những người mắc bệnh nhẹ sẽ được cách ly tại các cơ sở chỉ định ở ngoài bệnh viện.
Hôm nay, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc là 476, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.212. Có 24 người thiệt mạng vì virus corona chủng mới tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Ở Iran, số người nhiễm Covid-19 đã lên tới 978, số người chết là 54, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Y tế Iran thông báo trên truyền hình nước này. Iran hiện là quốc gia có số nạn nhân tử vong vì Covid-19 lớn nhất ở ngoài Trung Quốc.
Iran sẽ triển khai khoảng 300.000 nhóm đi từng nhà để phát hiện Covid-19, bắt đầu từ ngày 3/3, Bộ trưởng y tế Saeed Namaki cho biết.Thành công ghép phổi cho người nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới.
Bệnh nhân nguy kịch vì COVID 19 được chữa khỏi nhờ ghép phổi, liệu pháp tế bào gốc
Trong khi đó, các bác sĩ vẫn đang miệt mài tìm cách khống chế con virus Corona này. Báo Tuổi trẻ đưa tin, một nhóm y tế Trung Quốc đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới vào thứ Bảy cho một bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới.
Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, đã thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ diễn ra ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.
Sau khi phẫu thuật kết thúc, bệnh nhân hồi phục khá nhanh, tinh thần tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và phổi được ghép hoạt động tốt.
Được biết, bệnh nhân trải qua cuộc ghép phổi này là một người đàn ông 59 tuổi, được xác nhận bị nhiễm Covid-19 vào ngày 26/1. Sau khi đặt ống nội khí quản, điều trị bằng ECMO (thở oxy màng ngoài cơ thể), bệnh nhân liên tục thử nghiệm âm tính, nhưng chức năng phổi của anh ta bị suy giảm nghiêm trọng và không thể phục hồi sau tổn thương.
"Sau khi phẫu thuật, bước tiếp theo là quan sát bệnh nhân sát sao, thực hiện điều trị theo dõi chống thải ghép và chống nhiễm trùng”, bác sĩ Chen nói.
Ông cũng lưu ý một số điều kiện tiên quyết y tế cho bệnh nhân COVID-19 để được phẫu thuật cấy ghép: bệnh nhân được duy trì bằng máy thở cộng với ECMO và suy hô hấp của cả hai phổi; bệnh nhân liên tục xét nghiệm âm tính với axit nucleic; các chức năng của các cơ quan khác của bệnh nhân về cơ bản là bình thường và có thể chịu đựng được hoạt động cấy ghép.
“Ca phẫu thuật cấy ghép tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, và các nhân viên y tế được yêu cầu thực hiện phẫu thuật trong phòng cấp cứu rất áp lực, mặc đồ bảo hộ mọi lúc, đó là thách thức về tâm lý và thể chất", bác sĩ Chen nói.
Cũng tại Trung Quốc, một phụ nữ 65 tuổi nhiễm COVID-19 ở Vân Nam đã hồi phục từ trạng thái nguy kịch chỉ 4 ngày sau khi được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc.
Nữ bệnh nhân đã chiến đấu giành giật mạng sống trong vòng 2 tuần tại Bệnh viện Bảo Sơn, thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc.
Nhưng theo báo cáo được xuất bản bởi một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Côn Minh do tiến sĩ Hu Min đứng đầu, chỉ 4 ngày sau khi được tiêm tế bào gốc từ nhau thai, nữ bệnh nhân đã có thể đứng lên và đi lại.
Sự hồi phục bất ngờ của nữ bệnh nhân nói trên là rất quan trọng và truyền cảm hứng cho các thử nghiệm lâm sàng tương tự trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. "Liệu pháp tế bào gốc có thể là lựa chọn điều trị lý tưởng hoặc kết hợp với các tác nhân thúc đẩy miễn dịch khác", theo tác giả nghiên cứu.
Trường hợp của nữ bệnh nhân tại tỉnh Vân Nam là 1 trong 14 thử nghiệm sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mặc dù liệu pháp này còn gây tranh cãi, nhưng các chuyên gia y tế và cơ quan y tế vẫn hi vọng nó sẽ trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân nguy kịch.
Nữ bệnh nhân nói trên tới Côn Minh hôm 21-1 từ Vũ Hán. Sau đó, bà xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và xét nghiệm cho thấy dương tính với COVID-19.
Dù được điều trị kết hợp thuốc kháng virus và kháng sinh, tình trạng của nữ bệnh nhân đã nhanh chóng chuyển biến xấu sau khi cải thiện đôi chút. Bà được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hôm 1/2.
Hôm 9/2, sau khi tình trạng nữ bệnh nhân tiếp tục chuyển biến xấu, có biểu hiện suy tạng, các bác sĩ bắt đầu sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị sau khi tham khảo ý kiến từ bệnh viện và gia đình bệnh nhân.
Các bác sĩ sử dụng liệu pháp tế bào gốc vì thử nghiệm trên động vật cho thấy liệu pháp này có khả năng phục hồi thương tổn, trong khi COVID-19 gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng ở phổi, gan và các cơ quan nội tạng khác.
Sau liều đầu tiên được tiêm vào ngày 9/2, bác sĩ tiêm liều thứ 2 cho nữ bệnh nhân vào ngày 12/2 sau khi xác định không có tác dụng phụ. Tới ngày 13/2, tức 4 ngày sau khi tiêm tế bào gốc, bệnh nhân đã ra khỏi giường và đi dạo quãng ngắn.
Liều cuối cùng được tiêm vào ngày 15/2, các cơ quan nội tạng của bệnh nhân dần trở lại bình thường và xét nghiệm cho thấy bà đã âm tính với COVID-19.
Zhang Xinmin, từ Bộ Khoa học và công nghệ ở Bắc Kinh, nói trong một cuộc họp báo ngày 15/2 rằng thử nghiệm tế bào gốc trên cả nước cho thấy liệu pháp này an toàn và hiệu quả.
Các bệnh viện ở thành phố Hoàng Cương, một trong những thành phố bị nặng nhất ở Hồ Bắc, đã nhận được lô hàng tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và sẽ điều trị cho ba bệnh nhân bị bệnh nặng.