Phạt người có smartphone nhưng không cài ứng dụng phòng dịch: Cần thí điểm trước khi áp dụng đồng bộ

Pháp luật - Ngày đăng : 06:53, 31/05/2021

Việt BáoTheo Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp nếu đưa ra quy định phạt người có smartphone nhưng không cài ứng dụng phòng dịch cần phải thí điểm, khảo sát, đánh giá tính hiệu quả trước khi đưa vào áp dụng đồng bộ.

Để tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh, mới đây, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có smartphone nhưng không cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

Vậy, việc xử phạt người có smartphone nhưng không cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 sẽ thực hiện thế nào? Mức phạt ra sao và dựa trên quy định nào?

Đúng là chúng ta không dám chắc là khi nào thế giới sẽ kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh này. Bởi vậy vận dụng mọi nguồn lực, sử dụng mọi biện pháp để chống dịch là điều cần thiết.

Trong bối cảnh này thì việc đưa ra những quy định bắt buộc về phòng chống dịch bệnh cũng như đưa ra những chế tài để xử lý đối với các hành vi vi phạm là chuyện dễ hiểu.

Từ thời điểm dịch bệnh xảy ra cho đến nay việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc phòng chống dịch bệnh đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Đó là xu thế tất yếu, việc vận dụng khoa học kĩ thuật vào đời sống là một xu hướng của xã hội, trong thời điểm dịch bệnh thì quy định bắt buộc ứng dụng khoa học kĩ thuật trong phòng chống dịch bệnh là việc cần thiết để công cuộc phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả tốt hơn.

Tuy nhiên, những công nghệ, ứng dụng nào khuyến khích, khuyến cáo, những công nghệ nào là bắt buộc thì cần phải cân nhắc, đánh giá đảm bảo tính khả thi cũng như đạt hiệu quả trong việc quản lý xã hội”, Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho hay.

Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota, thị trường Việt Nam hiện nay có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%.

Hơn một năm nay dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh tế tiếp xúc trực tiếp truyền thống trước đây bị ảnh hưởng, đặc biệt là những ngành dịch vụ, vận tải, du lịch... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dịch bệnh làm phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh phi tiếp xúc, kinh tế số được thúc đẩy, người sử dụng công nghệ, internet, Smartphone tăng cao. Hiện nay có rất nhiều loại ứng dụng có thể tải dễ dàng về điện thoại thông minh và sử dụng trong đó có ứng dụng khai báo y tế điện tử và sinh mã QR, ứng ung Bluezone...

Người dân chung tay cài đặt ứng Bluezone để phòng, chống dịch Covid-19.

Bởi vậy, các ứng dụng công nghệ thực hiện việc khai báo ý tế dễ dàng, xác định những người tiếp xúc gần với người mắc covid-19, người thuộc trường hợp F1. F2 bắt buộc sử dụng là xu hướng tất yếu, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Khi đã có quy định bắt buộc thì những hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, trước khi quy định bắt buộc thì cần có thời gian để tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng.

Đồng thời cũng phải điều tra khảo sát đánh giá xem tính hiệu quả của nó đến đâu trước khi quy định bắt buộc và đưa ra các chế tài hành chính hoặc hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth.

Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần. Người dân cũng cần dùng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về những thông tin mình khai báo.

Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân có thể dùng điện thoại quét mã QR tại điểm đó. Trong lần đầu khai báo y tế điện tử, người dân khai tại một trong các ứng dụng khai báo y tế. Sau khi khai, người dân nhận mã QR của hệ thống tạo ra để phục vụ dùng khai báo y tế về sau.

Như vậy, việc cài đặt các ứng dụng này là phục vụ cho việc khai báo y tế, kiểm soát các trường hợp có nguy cơ cao có thể lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bởi vậy cần có khảo sát, đánh giá hiệu quả của ứng dụng cũng như đời sống tâm lý xã hội, xu hướng phát triển công nghệ để có những quy định khoa học, hợp lý, có tính khả thi và dễ áp dụng trên thực tế.

Trong trường hợp quy định bắt buộc thì cũng cần quy định trình tự thủ tục kiểm tra, xác định vi phạm và mức chế tài cụ thể, quy định trình tự thủ tục thẩm quyền tiến hành xử lý trên cơ sở luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điện thoại là đồ dùng cá nhân thiết yếu, trong điện thoại chứa rất nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng. Trong đó có cả những dữ liệu cá nhân nhạy cảm về đời sống riêng tư, bí mật đời tư cá nhân.

 Không ít trường hợp vì kiểm tra, thu giữ không đúng thủ tục, bảo quản không tốt có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cá nhân công dân.

Bởi vậy việc kiểm tra điện thoại để xác định có cài đặt ứng dụng bắt buộc hay không, có vi phạm hay không, trường hợp vi phạm, quản lý thế nào cho đảm bảo được bí mật đời tư cá nhân, tránh việc lạm quyền hoặc sơ suất làm lộ lọt mất dữ liệu bí mật đời tư cá nhân công dân.

Trường hợp nào được phép kiểm tra, thẩm quyền kiểm tra, quy trình trình tự thủ tục kiểm tra, trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân như thế nào cũng cần phải tính toán, cân nhắc trong trường hợp luật hóa hành vi này.

Đồng thời, cần phải thí điểm, khảo sát, đánh giá tính hiệu quả trước khi đưa vào áp dụng đồng bộ”, Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

 Xem thêm: Hình phạt nào cho người có smartphone nhưng không cài ứng dụng phòng dịch?

Minh An (t/h)