Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:14, 27/08/2020
Cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khám phá đường dây mua bán nội tạng người với giá “siêu khủng”. Nhóm đối tượng đã kiếm lời từ 400-600 triệu đồng trong mỗi ca cắt ghép thận từ người này sang người khác. Trong khi đó, người bị cắt mất phần cơ thể chỉ được trả 260 triệu cho một lần phẫu thuật cắt bán, thậm chí có người bán thận nhưng đến nay chưa nhận được tiền của nhóm tội phạm này.
Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người? Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó có những người do hoàn cảnh quá khó khăn hoặc bị lừa vào đường dây buôn bán tạng đã bán đi nội tạng của chính mình.
Theo luật sự Nguyễn Hữu Toại- Công ty luật TNHH Hừng Đông thì đây vẫn là hành vi phạm pháp luật: “Về mặt luật pháp, theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, một trong những nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác không nhằm mục đích thương mại. Vì vậy, hành vi tự bán nội tạng của mình là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Mặc dù vậy nhưng hiện tại chưa thấy đưa ra chế tài rõ ràng cho hành vi này, do đó cơ sở pháp lý để xử lý người tự nguyện bán nội tạng của mình vẫn chưa cụ thể, rõ ràng".
Trong thực tế hiện nay, khi nhu cầu của những người bệnh cần thay thế nội tạng ngày càng lớn sẽ phát sinh một số đối tượng biến tướng về việc dụ dỗ, lôi kéo những người bán nội tạng của mình với khoản tiền lớn. Khoản 3, Khoản 4, Khoản 8 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm ở đây là mua bán bộ phận cơ thể người, mua bán xác, lấy ghép sử dụng mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, quảng cáo, môi giới hiến bộ phận cơ thể vì mục đích thương mại.
Đối với những đối tượng dụ dỗ lôi kéo nạn nhân để bán tạng của mình, luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: nếu chứng minh được họ có sự tư lợi, móc nối đối với các đối tượng nhằm mục đích mua bán nội tạng, cơ thể người cho những người có nhu cầu thì có thể bị xử lý về mặt hình sự. Trong Bộ Luật hình sự, hành vi này là các tình tiết tăng nặng, định khung đối với các đối tượng, các tội phạm khác, như Điều 119 Bộ Luật hình sự quy định về tội mua bán người tại Điểm d, Khoản 2 phạt tù từ năm năm đến 20 năm đối với hành vi để lấy cơ thể của nạn nhân.”
Cùng với đó, Điều 246 của Bộ Luật Hình sự quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại Khoản 1 Điều 246. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Như vậy, đối tượng dụ dỗ nạn nhân mua bán thận của mình nếu như chứng minh được có mục đích tư lợi, thương mại thì hoàn toàn có thể định tội.
Ngoài ra, đối với các đối tượng có hành vi môi giới cho người khác bán nội tạng sẽ được xác định ở vai trò đồng phạm, cụ thể là người giúp sức, người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm, xử lý theo quy định tại Điều 154 Bộ Luật Hình sự tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Trường hợp người có ý định bán nội tạng của mình và bị cơ quan chức năng phát hiện khi chưa bán được, luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: “Tuy hành vi mua bán tạng vẫn chưa diễn ra nhưng do cơ quan điều tra phát hiện chứ không phải bản thân các đối tượng dừng hành vi phạm tội của mình cho nên vẫn bị xử lý theo quy định tại Điều 15 Bộ Luật hình sự về phạm tội chưa đạt, nghĩa là cố ý phạm tội nhưng không thực hiện được đến cùng vì nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội, người phạm tội chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chưa đạt. Do đó, các đối tượng này vẫn bị xử lý theo quy định tại Điều 154 Bộ Luật hình sự về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”./.
Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.