Ông Đinh La Thăng nhận 11 năm tù vì dính vụ Ethanol Phú Thọ
Pháp luật - Ngày đăng : 19:35, 15/03/2021
Tổng hợp với bản án cũ, ông Đinh La Thăng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX tuyên phạt:
Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) mức án: 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và 8 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tổng hợp các bản án cũ, Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành án tù chung thân.
Các bị cáo tại tòa |
Với tội danh Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt:
Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB): 6 năm, 6 tháng tù;
Trần Thị Bình (cựu Phó TGĐ PVN): 36 tháng tù treo;
Phạm Xuân Diệu (cựu TGĐ PVC): 3 năm, 6 tháng tù;
Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó TGĐ PVC): 3 năm tù;
Đỗ Văn Quang (cựu Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch, PVC): 28 tháng tù;
Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó Trưởng Phòng đầu tư dự án, PVB): 30 tháng tù;
Khương Anh Tuấn (cựu Phó trưởng Phòng Thương mại, PVB): 30 tháng tù;
Lê Thanh Thái (cựu Trưởng Phòng Kinh doanh, PVB): 24 tháng tù;
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc): 4 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nhận định của HĐXX
Dành mức án trên cho các bị cáo, HĐXX cho rằng: Hậu quả hành vi của các bị cáo khiến dự án triển khai nhưng không thể hoàn thành, đã phải dừng, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Các bị cáo là những người có chức vụ trong các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, tùy vị trí công tác, các bị cáo có nhiệm vụ khác nhau, nhưng có trách nhiệm định hướng chủ trương thực hiện việc chỉ định thầu, đàm phán ký kết hợp đồng...
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản ký kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại lớn cho PVB.
HĐXX xác định, bị cáo Đinh La Thăng giữ vai trò chính, các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức. Tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng.
Trách nhiệm chính, xuyên suốt, đưa ra chủ trương chỉ định thầu là bị cáo Thăng.
Các bị cáo còn lại là người dưới quyền, biết việc chỉ định thầu là vi phạm pháp luật, nhưng do chịu sức ép từ cấp trên, sức ép về tiến độ, mỗi bị cáo có trách nhiệm về từng khâu.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, HĐXX cho rằng, bị cáo có hiểu biết pháp luật trong đầu tư kinh doanh, vì mục đích cá nhân, đã lợi dụng chức vụ để tự ý tạm ứng 25 tỷ đồng của PVC cho PVC Kinh Bắc, đồng thời chuyển 21 tỷ đồng thành vốn góp của PVC tại PVC Kinh Bắc. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho PVC 13 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Thanh còn nhận chuyển nhượng từ Nguyễn Văn Hồng 3.400m2 đất ở Tam Đảo để hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, đối với các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 543 tỷ đồng.
Mức bồi thường của các bị cáo tính trên cơ sở lỗi của từng bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm bồi thường cao hơn các bị cáo khác, tương đương 200 tỷ đồng.