Hai tử tù treo cổ tự tử: Trách nhiệm thuộc về ai?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:22, 05/08/2020
Trại tạm giam là cơ quan có chức năng quản lý tạm giữ, tạm giam và giáo dục, cải tạo phạm nhân. Hoạt động của Trại tạm giam có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra theo Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, không phải mọi nơi, mọi lúc, công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam đều thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ba bị cáo bị tuyên án tử trong vụ án vận chuyển ma túy. |
Vẫn còn xảy ra các vụ việc can phạm trốn trại, vi phạm kỷ luật của Trại tạm giam. Thậm chí, có không ít vụ can phạm tự sát trong quá trình tạm giữ, tạm giam. Mới đây nhất, ngày 1/8/2020, các quản giáo, giám thị của Trại tạm giam, Công an tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện hai phạm nhân là Lương Văn Bằng (SN 1988) và Lăng Văn Vân (SN 1988) cùng trú xóm Lũng Luông, xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã tử vong trong tư thế treo cổ, nghi do tự sát. Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn đã xác nhận vụ việc trên và cho biết đang chỉ đạo lực lượng chức năng khám nghiệm, điều tra làm rõ vụ việc. Được biết, đây là 2 trong 3 tử tù vừa bị TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt án tử hình về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” và đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn trong thời gian chờ kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Sau khi sự việc này xảy ra, dư luận xã hội rất quan tâm và đặt câu hỏi về chế độ tạm giam đối với người bị kết án tử hình được thực hiện như thế nào mà hai tử tù lại có thể dễ dàng tự sát như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai trong vụ việc này?
Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN cho biết, hiện nay, mặc dù Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đang có hiệu lực thi hành nhưng chế độ tạm giam người bị kết án tử hình vẫn được thực hiện theo thông tư số 39/2012/TT-BCA ngày 04/7/2012 của Bộ Công an quy định việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình.
Người bị kết án tử hình sẽ được phân loại, quản lý giám sát rất chặt chẽ
Theo quy định của Thông tư 39/2012/TT-BCA, thì đối với người bị kết án tử hình sẽ được phân loại, quản lý giám sát rất chặt chẽ. Cụ thể: Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình. Trại Tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.
Khu vực buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày. Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.
Thông tư 39/2012/TT-BCA cũng quy định về trách nhiệm của cán bộ quản giáo được giao nhiệm vụ quản lý người bị kết án tử hình: “Hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra suốt, móng cùm người bị kết án tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam người bị kết án tử hình. Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá.
Phải có sổ theo dõi, kiểm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam người bị kết án tử hình; trong sổ theo dõi phải ghi rõ tình trạng buồng giam, cùm, khoá, ngày, giờ, lý do thực hiện các công việc, người thực hiện; tình trạng sức khỏe, biểu hiện tâm lý, diễn biến tư tưởng của người bị kết án tử hình và những vấn đề khác có liên quan; trong mỗi lần kiểm tra, các thành viên tham gia kiểm tra đều phải ký vào sổ theo dõi. Nếu qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện có biểu hiện khác thường, phải báo cáo ngay Giám thị để có biện pháp xử lý kịp thời”( khoản 5 – Điều 4 – Thông tư 39/2012/TT-BCA)
Người được giao quản lý can phạm có thể phải chịu trách nhiệm kỷ luật
Như vậy, đối với chế độ tạm giam người bị kết án tử hình, Bộ Công an đã có những quy định rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong việc tạm giam, đảm bảo sức khỏe và các quyền lợi khác của người bị kết án tử hình trong quá trình bị tam giam. Trong vụ việc hai can phạm tự sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Bắc Kạn đang tiến hành điều tra làm rõ. Trong trường hợp xác định việc quản lý người bị kết án tử hình tại Trại tạm giam chưa được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật thì người được giao trách nhiệm quản lý can phạm có thể phải chịu trách nhiệm kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW |
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLAW cho biết thêm, các quy định, quy trình quản lý tử tù được quy định vô cùng nghiêm ngặt và có phẩn rất khác biệt so với những tội phạm khác. Bởi lẽ các tội phạm này đã được toà án tuyên án cao nhất là tử hình và thường phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc quản lý những tử tù này được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA.
Thực tế, Thông tư này đã dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra tại trại giam giành cho tử tù bởi các đối tượng này đều rất manh động, ngoài ra đang trong thời gian chờ đợi thi hành án nên các đối tượng này rất dễ bất chấp làm liều. Nếu quản trại làm đúng theo quy trình, thủ tục đã quy định thì phạm nhân rất khó để có thể tự tử, đặc biệt với hình thức treo cổ.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trước sự việc có tử tù treo cổ tại buồng giam, cần phải tiến hành điều tra rõ tất cả các đối tượng liên quan bao gồm các tù nhân khác và cán bộ quản giáo, giám thị trại giam. Rà soát tất cả các quy trình nếu phát hiện thấy vi phạm cũng như bỏ sót các quy trình quản lý, giám sát thì tuỳ vào mức độ mà có thể đưa ra các biện pháp xử lý. Đối với những sai sót nhỏ có thể áp dụng các chế tài kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỉ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp, cách chức… Nếu sai phạm nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ có thể bị tước danh hiệu Công an nhân dân, thậm chí bị truy tố theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./.