Trần Phương Bình làm bốc hơi cả ngàn tỷ của DongA Bank theo cách nào?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:40, 25/06/2020
Sau hai ngày làm thủ tục và công bố cáo trạng, chiều ngày 24/6, phiên xử Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) và 11 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bước vào phần thẩm vấn.
Bị xét hỏi đầu tiên, Trần Phương Bình thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội và số liệu bị cáo gây thiệt hại cho DongA Bank hoàn toàn chính xác.
Bị cáo cũng khai nhận đã cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa |
Đối với nhóm Hiệp Phú Gia (gồm công ty TNHH Hiệp Phú Gia, nhóm công ty CP vốn Thái Thịnh - TTC, công ty TNHH Thương mại & ĐT Gia Kim, công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, công ty CP Địa ốc Đông Á và Cao Ngọc Huy - Lê Nguyên Đăng Hằng), ông Bình khai khoảng năm 2007, DongA Bank không có khách hàng lớn về kinh doanh bất động sản và trong đặc điểm thị trường bất động sản đang lên nên ban đầu bị cáo cho Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (TTC) vay để thực hiện dự án. Hiện Nhân đã bỏ trốn.
Theo đó, năm 2007, TTC được DongA Banh bảo lãnh vay 100 triệu USD của VinaCapital để mua và đầu tư một loạt dự án bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Trường hợp TTC không hoàn trả thì công ty này sẽ dùng toàn bộ cổ phần, vốn góp tại các công ty mục tiêu để làm tài sản đảm bảo cho DongA Bank.
Theo lời khai của bị cáo, ngay khi vừa ký và nhận tiền thì DongA Bank cũng thu được 2 triệu USD phí quản lý tài khoản, đồng thời giúp DongA Bank có danh tiếng là nhận được một khoản đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đến năm 2008, khi VinaCapital đòi tiền, trong khi các dự án bất động sản của TTC đình trệ, thua lỗ, bị cáo nhận thức rằng nếu DongA Bank không thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng; đến chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, Trần Phương Bình đã bàn bạc với Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo nhân viên tại DongA Bank cho 2 công ty và 5 cá nhân vay 11 khoản, với số tiền hơn 1.800 tỷ để sử dụng mua 5 tài sản của nhóm TTC, sau đó dùng làm tài sản đảm bảo cho 100 triệu USD.
Tuy nhiên, khi Trần Phương Bình chỉ đạo chuyển hơn 1.700 tỷ cho TTC để thanh toán mua 5 tài sản, thì công ty này chỉ dùng 719 tỷ trả cho VinaCapital, hơn 902 tỷ trả nợ các khoản vay trong nhóm TTC và hơn 26 tỷ cho các mục đích khác.
Để TTC tiếp tục trả nốt số tiền còn lại cho VinaCapital, từ 28/1/2008 đến 6/12/2010, Trần Phương Bình chỉ đạo DongA Bank cho thêm tổng số 904 tỷ.
Khi nhóm TTC không có khả năng trả nợ, bị cáo tiếp tục cho TTC vay thêm 9 khoản với tổng số tiền lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Sau khi tất toán đảo nợ, tính đến 24/12/2018, TTC còn dư nợ hơn 1.779 tỷ.