Tài xế GrabBike diễu hành phản đối tăng khấu trừ

Pháp luật - Ngày đăng : 08:58, 08/12/2020

Việt BáoTrước việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ trên doanh thu cuốc xe, nhiều tài xế đã tắt app, tụ tập và diễu hành trên đường phố TP.HCM và Hà Nội.

Cụ thể, trưa 7/12, hơn 200 tài xế cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác.

Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126.

Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức 1%/năm. Tuy nhiên, các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước.

Hàng trăm tài xế diễu hành trên đường

Ngay sau khi nhận tin báo về việc hàng trăm tài xế tụ tập, Đội CSGT số 1 (Hà Nội) đã phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm nhắc nhở nhóm tài xế này giải tán. Bước đầu, cơ quan chức năng xác minh những người này chưa gây rối trật tự.

Đội CSGT số 1 cho biết đã tăng cường lực lượng tới các khu vực trọng điểm để xử lý nếu nhóm tài xế có các hành vi gây rối, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ họp thứ 18 HĐND Hà Nội diễn ra.

Đến khoảng 14h, nhóm này tạm thời giải tán, sau đó chia thành từng tốp nhỏ hướng về quận Cầu Giấy.

Việc hàng trăm tài xế tụ tập, diễu hành có thể bị xử phạt?

Liên quan đến sự việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, nhận định cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá về tác động, hậu quả do việc tập trung đông người kia gây ra cho xã hội.

Trường hợp đây là ý kiến yêu cầu chính đáng của người lao động, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi không vi phạm pháp luật. Trường hợp hành vi tụ tập đông người để đưa ra những yêu sách thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì mới bị xử lý hình sự.

Trong vụ việc này, tài xế Grab là những người lao động đòi hỏi quyền lợi một cách chính đáng, việc tập trung đông người chưa gây ách tắc giao thông nhiều giờ, chưa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức. Do đó, cơ quan chức năng khó có thể đề cập đến câu chuyện trách nhiệm pháp lý của nhóm người này.

Những trường hợp tụ tập đông người để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ, các tài xế quá khích, tập trung đông người để hò hét, đập phá, gây gổ, làm ảnh hưởng đến trật tự chung, làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng.

Khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, quy định người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, nếu thuộc các trường hợp định khung tại khoản 2 như có tổ chức, xúi giục người khác gây rối hay hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng thì người vi phạm sẽ đối mặt mức án cao nhất là 7 năm tù.

Minh An