Đạo diễn Đồng Tiền Xương Máu tái xuất với phim bối cảnh xưa Ngày Em Đến

Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 11:30, 04/03/2021

Việt BáoBẵng đi vài năm tập trung công việc kinh doanh của gia đình, đạo diễn Đinh Đức Liêm – tên tuổi gắn liền với nhiều phim truyền hình đình đám: Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng, Miền đất phúc… trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ. Lần này là dự án phim xưa NGÀY EM ĐẾN, bởi theo anh “đây mới thực sự là đam mê và sự nghiệp mà tôi muốn theo đuổi đến cuối cùng”.
Đâu là lý do khiến anh quyết định nhận lời làm đạo diễn bộ phim Ngày Em Đến?
Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Mấy năm trước cũng có 1 thời gian phim truyền hình có hiện tượng bị bội thực, khi có quá nhiều công ty ào vào tham gia thị trường cạnh tranh sản xuất. Kịch bản mua vội, viết vội, làm vội từ những đề cương kém chất lượng. Nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, nhưng nhiều quan hệ lao vào nhận giá rẻ để được làm nghề…, để rồi cuối cùng đài nào, công ty nào cũng tồn đọng những phim làm ra không được phát sóng, nợ lương, lỗ… Kết quả là số lượng phim sản xuất trên thị trường bị giảm đột ngột.
Tôi cũng chán nản và quyết định tạm nghỉ ngơi để quay về với dự án kinh doanh của gia đình, rồi phải theo dõi bước đầu để đi vào nề nếp, nên lúc đó không thể phân tâm để làm nghề.
Nay mọi việc đã dần ổn định, tôi giao hẳn cho bà xã quản lý và thảnh thơi trở lại làm phim. Vì đây mới thực sự là đam mê và sự nghiệp mà tôi muốn theo đuổi đến cuối cùng. Vậy thôi, chứ tôi luôn mong chờ những dự án tốt, kịch bản hay từ những công ty sản xuất, từ những đài có uy tín để mình có cơ hội phục vụ khán giả.
Tên tuổi của anh thường gắn liền với những tác phẩm đề tài xã hội đương đại, lần này là một dự án phim về bối cảnh hơi xưa cũ. Anh gặp phải những thử thách nào?
Tôi luôn thích làm phim về xã hội đương đại với vô số những vấn đề gần gũi, bức xúc mà người xem quan tâm. Với môi trường đang phát triển như ở Việt Nam có rất nhiều đề tài nóng bỏng, sâu sắc về mọi mặt, trong đó con người luôn là chủ thể với những tâm lý phức tạp, đa dạng, các giá trị nhân văn của cuộc sống biến đổi, tốt - xấu lẫn lộn…
Nhưng thực tế, do nhiều yếu tố nên các nhà văn, biên kịch, cũng như những đạo diễn cũng bị bó hẹp, không thể bộc lộ hết những suy nghĩ, trăn trở của mình về xã hội, con người hiện nay. Cho nên muốn mình thả lỏng, đổi khác một chút tôi phải tìm không gian khác - không thuộc thời đại mình đang sống để thể hiện.
Với Ngày Em Đến, giải quyết bài toán khó khi làm phim xưa, đồng thời để tạo nên cá tính khác biệt so với các phim cùng thể loại, anh đã làm những gì?
Thực ra Ngày em đến xuất phát từ kịch bản phim ngắn cũng của biên kịch Phượng Vỹ viết về thời xưa. Nhưng cô ấy và công ty sản xuất thấy vẫn còn đất để phát triển thêm nên đã quyết định viết thành kịch bản dài tập.
Tôi được mời tham gia dự án này ngay từ khi mới được VTV3 duyệt đề cương. Thấy làm xưa quá thì không có hứng thú và không có điều kiện bộc lộ những điều gần gũi với khán giả ngày nay. Nhất là phim xưa thì dễ bị gắn với việc phải làm với tiết tấu phim chậm hơn, ngôn ngữ thoại cổ hơn… Trong khi tôi luôn thích làm phim có tiết tấu nhanh, ngôn ngữ đối thoại thông minh, có vấn đề…. Nên nếu làm với nhịp phim chậm, lời thoại xưa cũ … thì tôi nghĩ không tạo được sự hấp dẫn.
Cuối cũng tôi bàn bạc với NSX và biên kịch quyết định cho câu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian 1966 -1974, trước giải phóng, chứ cũng không thể biến thành câu chuyện hiện đại được. Vì chất liệu trong kịch bản có nhiều hư cấu, hoang đường một chút, suy nghĩ, tâm lý của nhân vật chưa thể phóng khoáng, sắc sảo như hiện nay để có thể đối phó với nhau, lật chuyện dễ dàng hơn, không để mình bị áp đặt vào những hoàn cảnh trớ trêu, khiên cưỡng như vậy…
Về thực chất, đây cũng là phim về đề tài gia đình với mẹ chồng - nàng dâu, mẹ ghẻ - con chồng, anh chị em giành giật tài sản, những mưu kế thủ đoạn hại nhau để tranh quyền, đoạt lợi, không có nhiều mới mẻ so với các phim khác cùng đề tài của thời nay. Nên tôi quyết định mình sẽ làm khác ở sự thể hiện, ở cách kể chuyện, tạo cho phim màu sắc bi - hài kịch, cho nhân vật trở thành anh chàng giả khờ để ẩn mình lẩn tránh sự ức hiếp của mẹ ghẻ, em cùng cha…, Đến cuối cùng khi có vợ mới và cùng cô tìm lại chính con người thông minh vốn có của mình.
Lời thoại của nhân vật chính gần như tôi sửa lại hết, tạo cho cậu ta sự khờ khạo, ngây ngô mà vẫn duyên dáng khi đối đáp trả treo với các nhân vật khác. Làm cho tình yêu như bị sét đánh ngay từ lần gặp đầu tiên với nhân vật nữ, và càng ngày phát triển càng sâu đậm để chinh phục cô, người mà ban đầu cũng chỉ thương hại, quý mến chàng khờ mà không hề yêu đương, rung động, lại bị ép gả nên phản kháng thái quá để được thoát ra khỏi hoàn cảnh oan nghiệt mà cô bị lôi vào …
Chính tình huống, tính cách đó của nhân vật đã tạo nên hiệu ứng hài hước rất chân thật của phim, dù các nhân vật hoàn toàn không diễn hài ngoại hình, thoại lố lăng như các phim hài khác của Việt nam. Và cuối cùng khi trình chiếu tôi nghĩ mình đã tạo được sự mới mẻ trong phim mình, tạo nên cảm xúc đón nhận vui vẻ của khán giả.
Anh nghĩ như thế nào về nhận định, làm phim xưa đang là trào lưu thịnh hành, đặc biệt đối với làng phim truyền hình phía Nam dù NSX nào cũng kêu trời về độ khó, tốn kém?
làm phim xưa giúp tác giả lẫn khán giả có điều kiện thoát ra khỏi việc phản ánh, cảm nhận hiện thực phức tạp hiện nay, nên cũng được các Đài - nhất là ở phía Nam ưu ái sản xuất. Và quả thực phim xưa đòi hỏi bối cảnh, phục trang, đạo cụ… khác biệt, không dễ kiếm, dễ tận dụng từ đời sống hàng ngày.
Nhưng cũng chính vì không có đầu tư xứng đáng nên nó không đa dạng, không được dựng cảnh phù hợp thực sự với mỗi phim, vẫn tùy tiện sử dụng những bối cảnh có thực được thuê cho quá nhiều phim cùng thể loại, quần áo phục trang cũng không được thiết kế riêng, cho nên cũng lặp kiểu từ phim này qua phim khác, không có nhiều sáng tạo…
Nhưng do Đài duyệt sản xuất, với mức đầu tư chừng mực, gần như chẳng khác gì phim hiện đại, trừ những phim có bối cảnh, hiệu ứng đặc biệt… nên người làm như chúng tôi cũng phải liệu cơm gắp mắm để hoàn thành, dù chưa bao giờ mãn nguyện với ý đồ ban đầu của mình.
Và thực sự tôi nghĩ các Đài cũng nên tập trung sản xuất vào phim hiện đại, mở rộng đề tài vào những vùng cấm xưa nay vẫn bị hạn chế để chinh phục khán giả hơn là ẩn mình trong những vấn đề - hình thức xưa cũ để tìm khán giả cho mình 1 cách an toàn như vậy.

Công Thành