Long đong số phận những thương hiệu trước 1975 ở miền Nam
Kinh doanh - Ngày đăng : 15:25, 06/06/2021
Gạch bông Đồng Tâm, nước khoáng Vĩnh Hảo, bông Bạch Tuyết, dầu cù là Mac Phsu, xà bông Cô Ba… là những sản phẩm lẫy lừng ở miền Nam Việt Nam còn tồn tại cho tới ngày nay. Số phận chúng khác nhau nhưng một thời là niềm hãnh diện của hàng Việt.
Niềm kiêu hãnh mang tên Đồng Tâm
Thế hệ những người 50-60 tuổi trở về trước biết cái tên Đồng Tâm qua viên gạch bông. Những người trẻ về sau lại nghe quen cái tên này qua các sản phẩm xây dựng, từ gạch, tôn lợp, sơn nước cho tới tấm nhựa, đá trang trí… Đặc biệt, nhiều người còn biết bầu Thắng - Võ Quốc Thắng, ông chủ của đội bóng Đồng Tâm - Long An nổi tiếng.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group
Ra đời năm 1969 từ một tổ hợp nhỏ sản xuất gạch bông lót nền bởi người sáng lập là ông Võ Thành Lân (thân phụ ông Võ Quốc Thắng), đến nay gạch Đồng Tâm đã có 52 tuổi đời. Ông Lân nay đã trên 90 tuổi. Võ Quốc Thắng là người con trai thứ 7 trong nhà, kế tục sự nghiệp của cha.
Đề cập đến cái tên Đồng Tâm, ông Võ Quốc Thắng chia sẻ: “Ba tôi giải nghĩa: Phàm việc lớn, một người không thể làm được mà phải “đồng tâm hiệp lực”; đồng tâm mới lèo lái con thuyền sự nghiệp đến đích thành công”.
“Tôi muốn lớp kế cận sẽ phát triển thương hiệu lên tầm vóc mới. Tôi luôn dặn dò các con: Đồng Tâm không chỉ là thương hiệu của gia đình mà đó là tài sản chung của nhiều người, toàn bộ cán bộ - nhân viên Đồng Tâm nhiều thế hệ và cao hơn nữa là thương hiệu của quốc gia”, ông Thắng nói.
Thẻ môn bài của Gạch bông Đồng Tâm cấp cho ông Võ Thành Lân năm 1969
Ông Thắng có 3 người con, 2 trai 1 gái. Người con trai kế là Võ Quốc Huy, đang là trợ lý của Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm, lúc nào cũng sát cánh bên bầu Thắng, có thể sẽ là người tiếp nối sự nghiệp ở thế hệ thứ 3.
Lẫy lừng trước 1975 nhưng từ đó đến khoảng 1990, Đồng Tâm cũng như nhiều sản phẩm thủ công khác trở nên èo uột. Từ sau 1990, ông Võ Quốc Thắng bắt tay gây dựng lại thương hiệu. Đến khoảng 1995 thì Đồng Tâm gượng dậy và từ đó vươn lên đứng trong hàng ngũ những thương hiệu có tiếng ở Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước.
Sau những năm 2005, gạch và các sản phẩm của Đồng Tâm chịu chung số phận như các thương hiệu khác khi bị các sản phẩm của Trung Quốc tràn vào theo đường hàng lậu, bán phá giá. Trong lúc khó khăn, đã có lúc tưởng chừng như không gượng lại nổi nhưng đứng trước cán bộ, nhân viên, Chủ tịch Đồng Tâm vẫn quả quyết: “Chừng nào nhà ông Thắng còn có cơm ăn thì nhà các bạn cũng có cơm ăn”.
Đồng Tâm giờ là một tập đoàn, khai thác cả mảng vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, khu dân cư và cả cảng biển, logistics…
Những thương hiệu “ba chìm bảy nổi”
Chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng muốn tìm một người có tâm huyết để gìn giữ thương hiệu dầu cù là Mac Phsu
Bông Bạch Tuyết, dầu cù là Mac Phsu, xà bông Cô Ba là 3 nhãn hiệu lẫy lừng trước 1975. Sau này, do tình hình đất nước sau chiến tranh mà số phận các sản phẩm này cũng ba chìm bảy nổi.
Hơn một năm nay, sản phẩm khẩu trang nhãn hiệu Bạch Tuyết luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong mùa dịch. Một hộp khẩu trang hồi tháng 1/2020 có giá 30.000 đồng, đến khoảng tháng 4-5/2020 lên đến 250.000 đồng mà vẫn khan hàng. Nguồn cung, giá khẩu trang tăng đột biến góp phần giúp Bạch Tuyết vững vàng đi qua những ngày dịch bệnh Covid-19.
Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được thành lập năm 1960, chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sau ngày giải phóng được đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết. Vào những thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu như trên thị trường, nói về bông y tế thì chỉ có Bông Bạch Tuyết, chiếm tới 90% thị phần.
Năm 2004, Bông Bạch Tuyến lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Cũng kể từ đây Bông Bạch Tuyết rơi vào khủng hoảng, từ một doanh nghiệp thống lĩnh thị phần đã có lúc đối mặt với nguy cơ phá sản bởi xung đột lợi ích giữa các cổ đông, giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng, năng lực bán hàng không đáp ứng được nhu cầu thực tế trong một thời gian dài...
Sau 5 năm lên sàn, tới năm 2009, Bông Bạch Tuyết buộc phải huỷ niêm yết. Có nhiều giai đoạn công ty bị mất thanh khoản, tài sản công ty bị phát mãi và đấu giá.
Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của Bông Bạch Tuyết không chỉ đã từng là một sản phẩm đã có thương hiệu đình đám, mà vì sản phẩm chất lượng cao. Cũng nhờ đó vẫn có đối tác quay lại đặt hàng. Cũng trong giai đoạn năm 2017, Bông Bạch Tuyết có thêm những cổ đông, nguồn vốn mới.
Ảnh quảng cáo dầu cù là Mac Phsu một thời
Ngày 11/5, trên sàn giao dịch chứng khoán, Bông Bạch Tuyết một lần nữa đã chứng minh sự trở lại của mình khi cổ phiếu BBT lên kịch trần với giá 27.400 đồng/cổ phiếu. Ông Huỳnh Mai, một công nhân kỳ cựu của Bông Bạch Tuyết, nay đã 55 tuổi nói: “Cũng có lúc chìm nổi nhưng chúng tôi luôn tự hào đã gắn bó với một thương hiệu nổi tiếng”.
Một thương hiệu trứ danh khác ở miền Nam, đó là dầu cù là Mac Phsu. Trẻ con miền Nam một thời đều thuộc câu hát: “Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu...”. Dầu cù là Mac Phsu được ra đời cùng với dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và dầu gió Nhị Thiên Đường.
Dầu cù là Mac Phsu do ông Thong Ong Zan, chồng của bà Mac Phsu (người Myanmar sống tại Sài Gòn) sáng chế. Hiện 2 chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng - là cháu ngoại bà Mac Phsu, đang vận hành thương hiệu này ở TP HCM.
Bà Lê Kim Phụng kể, sau một thời gian dầu cù là tưởng chừng thất truyền, vào năm 2013, người chị cả Lê Kim Nga đã quyết tâm tái sản xuất dầu cù là Mac Phsu của cha ông để lại với tên gọi mới là Cao xoa Con Công.
Dầu cù là được chuộng vì công dụng làm giảm các chứng bệnh chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi tay chân, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt…
Tuy vậy, bà Phụng cho hay, công thức hiện nay sản xuất thủ công nên số lượng không nhiều, chủ yếu bán lẻ và bán sỉ cho một số nơi. Nhiều đơn vị ngỏ ý mua lại thương hiệu, nhưng chị em bà Phụng không bán vì muốn tìm một người có tâm huyết để giữ được tài sản tinh thần của cha ông.
Xà bông Cô Ba của Công ty Trương Văn Bền cũng có số phận tương tự. Vang bóng một thời, đánh bạt cả xà bông Pháp ở khu vực Đông Dương nhưng sau 1975, sau khi được hợp doanh thì thương hiệu này trở nên èo uột.
Sau này, Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) mua lại nhưng bị cạnh tranh khốc liệt, xà bông Cô Ba gần như mất dạng. Hiện nay, dù bị cạnh tranh bởi hàng trăm loại xà bông nhưng gõ trên các trang mua bán điện tử vẫn thấy xà bông Cô Ba: xà bông nghệ Cô Ba, xà bông trà xanh Cô Ba, xà bông dừa, xà bông cám gạo…
Nước khoáng Vĩnh Hảo - thương hiệu Việt gần trăm tuổi Cho đến nay, nước khoáng Vĩnh Hảo có lẽ là thương hiệu Việt hiếm có với hơn 90 năm phát triển không ngừng. Nước khoáng Vĩnh Hảo được phát hiện bởi các nhà khoa học Pháp năm 1928, tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Phát hiện này đã gây ngạc nhiên lớn cho các nhà khoa học thời bấy giờ bởi những khoáng chất quý mà nguồn khoáng nơi đây có được. Sau đó, thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo đã nhanh chóng vang danh toàn cõi Đông Dương và trở thành một trong những thương hiệu Việt Nam đầu tiên vươn ra thế giới. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Vĩnh Hảo được xem như là biểu tượng của ngành công nghiệp nước khoáng đóng chai của miền Nam Việt Nam, vì đây là nhãn hiệu nước khoáng duy nhất được chấp thuận cho phép sử dụng trong các bệnh viện cũng như bày bán tại các tiệm thuốc Tây. Suốt hơn 90 năm phát triển, đến nay dù trên thị trường xuất hiện nhiều loại đồ uống khác nhau tuy nhiên nước khoáng Vĩnh Hảo vẫn có một lối đi riêng, giữ được thương hiệu Việt. |
(Theo Báo Giao Thông)