Y tế thông minh hơn nhờ trí tuệ nhân tạo: Bài học nhìn từ Covid-19 và di truyền học

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:39, 14/04/2021

Việt BáoNhờ công nghệ phát triển, y tế thông minh như thêm mặt tích cực của nó trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp. Thậm chí, ngành di truyền học cũng được xem là có nhiều tiến triển khi đối mặt nhiều vấn đề liên quan.

Dịch Covid-19 như đang giúp cho việc đẩy mạnh các hình thức y tế thông minh hơn từ việc phát triển ứng dụng, đến cả khám bệnh từ xa, thậm chí còn cho cả những nỗ lực nhằm đảm bảo sức khỏe bệnh nhân ở mức cao nhất.

Không còn xa vời cho những giải pháp mang tính vĩ mô về quản lý, y tế thông minh từ những khía cạnh nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn cho người dùng khi tiếp cận dịch vụ ngày một tốt hơn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh nhờ công nghệ.

Covid-19 đang giúp Y tế thông minh hơn nhờ công nghệ

Những cái chạm tay trên màn hình dù nhỏ nhưng cũng đáng để chú ý, nhất là hạn chế tụ tập đông người khi đến cơ sở khám bệnh.

Theo ông Đào Mạnh Hiếu - CEO VietCAS - đơn vị phát triển ứng dụng di động về sức khỏe, y tế thông minh không phải là những gì cao xa với người dùng, nó có thể hiện hữu ở những cái thực tế tiếp cận được như áp dụng phòng khám đa khoa thời đại số, hoặc sổ khám bệnh điện tử...

Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn nhờ ứng dụng. Ảnh minh họa: FPT.

"Các công cụ này không chỉ giúp người bệnh quản lý tốt hơn tình trạng sức khỏe của mình, mà còn giúp các bệnh viện dễ dàng hơn khi chẩn đoán. Trong mùa dịch thì phát huy rất tốt", ông Hiếu nhận định.

Công nghệ phát triển mạnh, người dùng có thể sử dụng các tiện ích liên kết phòng khám, bác sĩ như eDoctor, Sổ khám bệnh điện tử... để hạn chế tập trung đông người, bên cạnh tránh việc mỗi nơi mỗi khám gây lãng phí về thời gian và tiền bạc.

Hoặc đơn giản hơn, những ứng dụng trên di động cũng đang được nhiều đơn vị cung cấp, mang đến những cú chạm tay hữu ích cho người dùng khi cần sự tư vấn sức khỏe mọi lúc mọi nơi thông qua Zalo, Facebook, Viber...

Xem thêm: Tiềm năng thị trường giải mã gen, 'lửa thử vàng gian nan thử sức'

Đến cả mô hình quản lý thông minh từ vĩ mô đến vi mô

Thực trạng bệnh nhân đến bệnh viện để chờ lấy số khám được dự báo sẽ hạn chế nhờ y tế thông minh, trong đó góp phần đáng kể là giải pháp hồ sơ bệnh án điện tử.

Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, FPT cũng đã cải tiến giải pháp FPT.eHOSPITAL 2.0 - Bệnh viên thông minh đến nhiều đơn vị trên toàn quốc, từng bước giúp quá trình liên tuyến được nhanh hơn bao giờ hết.

Hay như VNPT khi mang giải pháp Hệ thống quản lý Y tế cơ sở nhằm tối ưu toàn bộ các nghiệp vụ khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh của ngành y tế tại các tuyến cơ sở (Sở y tế, Trung tâm y tế huyên, các phòng khám cũng như trạm y tế xã).

Ở lĩnh vực xét nghiệm, Đề án 316 - Bộ Y tế trong năm qua được cho là vì lợi ích chung của bệnh nhân rất nhiều cho vấn đề liên tuyến kết quả khi chỉ cần giảm được 1% số lần xét nghiệm, tổng kinh phí giảm thiểu được cho bệnh nhân khoảng 237,5 tỉ đồng.

Công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ và y học. Ảnh minh họa: Genetica.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế thông minh cũng được cho là khá mạnh mẽ tại TP HCM khi là địa phương đi đầu.

Đến nay, nhiều bệnh viện tuyến thành phố, quận huyện đã xây dựng bệnh án điện tử, thậm chí cả việc ứng dụng robot trong phẫu thuật và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, mang đến hàng loạt giải pháp thiết thực vì sức khỏe bệnh nhân.

Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, để nhân rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố. "Do đó, chỉ nên chọn lựa những ứng dụng đã được chứng minh khoa học về lợi ích và phù hợp với yêu cầu phát triển từ thực tiễn", vị này cho hay.

Xem thêm: Văn phòng 'ảo' lên ngôi mùa dịch Covid-19

Tại Đồng Nai, thực hiện đề án 1816, hiện có hơn 20 cơ sở y tế trong tỉnh đã kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương, từ đó hạn chế tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức của gia đình người bệnh.

Và cả áp dụng di truyền học để phòng ngừa

Ngoài các yếu tố độ tuổi, bệnh lý nền, tính chất công việc…, thông tin gen cũng đang được đánh giá là một công cụ có thể giúp điều trị Covid-19 tốt hơn trong bối cảnh vắc xin đã và đang được nhiều công ty dược cung cấp và tiêm ngừa.

Tại Việt Nam, xét nghiệm gen trên hàng nghìn người Việt cho thấy, có khoảng 15,27% tăng nguy cơ di truyền mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) khi bị nhiễm chủng SARS-CoV. Trong đó, những người mang nguy cơ ARDS thấp thì hoàn toàn có thể tự cách ly và điều trị tại nhà.

Công nghệ giải mã gen đang góp phần vào chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh liên quan di truyền. Ảnh minh họa: WashingtonPost.

Ngành di truyền học nhờ AI và công nghệ phát triển ngoài giúp ích cho việc chẩn đoán điều trị Covid-19 còn áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác liên quan, nhất là cảnh báo bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Theo kết quả nghiên cứu của Genetica với Bệnh viện Trung ương Huế, việc giải mã gen đang được xem là phương án tốt để giúp phát hiện sớm trẻ tự kỷ.

Quá trình này cũng giúp tiên lượng hội chứng rối loạn và các tình trạng sức khỏe khác mà trẻ có thể mắc phải để có giải pháp điều trị phù hợp nếu có thông qua xét nghiệm đánh giá sớm nguy cơ tự kỷ di truyền G-Autism ở giai đoạn lâm sàng.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc phòng bệnh luôn được xem là yếu tố hàng đầu. Lĩnh vực di truyền từ đó cũng được xem là một nhánh của y tế thông minh cao cấp để giúp chủ động hơn cho việc điều trị với kết quả tốt.

Võ Lê Minh