‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:15, 15/03/2021

Trao đổi với Tuần Việt Nam, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phương án phòng chống dịch và cách truyền thông tới đây phải khác để hỗ trợ cho phát triển kinh tế.
Thưa ông, nhìn vào bức tranh kinh tế gần đây dưới tác động của các chính sách chống dịch, ông có thể nói gì?

Nhìn vào thực tế trong 2 tháng đầu năm, sản xuất vẫn tiếp diễn, vẫn xuất siêu nhưng đó là do khối doanh nghiệp FDI đem lại và nhập siêu chủ yếu là doanh nghiệp (DN) trong nước. Tỉ trọng xuất khẩu của DN FDI chiếm 76%, đây là hai mặt của FDI vừa giúp sản xuất ổn định đồng thời cũng nói lên một điều, DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị quá chậm, quá kém.

Các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán mấy tháng cuối năm 2020 và 2 tháng đầu năm nay vẫn có lợi nhuận cao.

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’
TS Nguyễn Đức Kiên: ‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’

Còn một điểm cần nhìn lại từ năm 2020 qua đợt dịch, lĩnh vực kinh tế ngân hàng ứng phó tương đối tốt, các DN sử dụng nhiều lao động cũng xử lí được như dệt may, da giày, Samsung. Nhưng còn có vấn đề là ở những DN nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể thì quyền lợi của người lao động lại bị ảnh hưởng nhiều hơn, do không thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.

Cần thay đổi quyết liệt

Hiện nay gói kích thích kinh tế đang được xem xét. Ông nhìn nhận điều này ra sao?

Thống kê tháng 5/2020 có khoảng 32 triệu lao động bị ảnh hưởng nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước không thể kéo dài hết thời gian dịch mà chỉ được vài tháng, nên họ phải tự bỏ tiền tích luỹ ra để sống. Có những người qua 1 năm, toàn bộ tiền tích luỹ trở về số 0. Ngay trên 1 đoạn phố ở Hà Nội mà tôi khảo sát thì có chừng hơn 200 người lao động mất việc làm do nhà hàng đóng cửa. Tôi hỏi sao không về quê sống thì họ bảo về quê bị cách ly mà vẫn phải trả tiền thuê nhà ở đây, thà họ ở đây để tìm việc còn hơn về quê.

Từ thực tế đó, chính sách an sinh xã hội cần quan tâm thêm cả người lao động làm việc ở 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và 8 triệu hộ nông dân. Cần xem xét lại cơ chế với những thành phần kinh doanh này để khi có bất trắc xảy ra với họ, Nhà nước còn hỗ trợ được.

Trong gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ, TP. HCM hỗ trợ bằng cách chia đều cho mỗi người lao động, phát về tổ dân phố, những người có đăng kí KT3 mới được phát, nên ngay trong tháng 5 tiền cứu trợ đã đến tay người dân. Ở các địa phương khác, tiền cứu trợ chậm hơn. Phương thức quản lí không theo kịp với thực tế cuộc sống, như sự kết hợp số liệu về người lao động của các cơ quan bảo hiểm, cư trú không liên thông.

Như vậy, phương pháp thực hiện gói kích thích mới là có vấn đề. Chúng ta có kích thích sản xuất trong nước nhưng thị trường đầu ra không tiêu thụ được, không xử lí được mà đầu bên kia cũng không hỗ trợ và kiểm soát được.

Tôi nhắc lại lần nữa, chúng ta không muốn chấp nhận một thực tế là khi thực hiện nền kinh tế thị trường thì có DN phát triển, có DN phá sản. Nên khi DN phá sản, người lao động không được thực hiện chính sách an sinh xã hội đầy đủ. Theo tôi, Nhà nước có lỗi trước tiên vì đã không quản lí được vấn đề này, để cho DN không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với người lao động.

Nghị quyết 42 hỗ trợ DN, người lao động được đưa ra từ tháng 4/2020, nếu thực hiện ngay thì sẽ có hiệu quả cao hơn, nhưng đến tận tháng 6 mới triển khai được đến người lao động, rồi trong quá trình thực hiện thấy có bất cập lại phải điều chỉnh. Tóm lại, với tất cả những cái chúng ta đã đề ra, cần tổ chức thực hiện nhanh hơn. Chúng ta không thiếu giải pháp nhưng khi đi vào thực tế, khâu tổ chức thực hiện luôn có vấn đề.

Ông đánh giá thế nào về tình hình tới đây, khi vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế?

Nhiệm vụ của Chính phủ trong 6 tháng tới là xây dựng các biện pháp hỗ trợ cho DN của các thành phần kinh tế phát triển, mà không chỉ tập trung vào đầu tư công như trong năm 2020. Động thái giảm lãi suất huy động, cho vay trong đầu tháng 3 vừa qua của các ngân hàng đã góp phần vào việc đó.

Một điều nữa chúng ta thấy sức mua của thị trường thế giới bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại. Thế giới đã hình thành nền kinh tế vắc-xin rồi, nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất gay go. Ngành du lịch 2 tháng đầu năm nay đã giảm 99% so với 2 tháng đầu năm 2020.

Nếu không thay đổi quyết liệt, đến tháng 5 tới sẽ mất tiếp một mùa du lịch. Du lịch và các ngành theo sau đó đóng góp 10-15% GDP, năm nay mất thêm 15% nữa thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu sau nữa.

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’
Tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM ngày 8/3. Ảnh: Thanh Tùng

Thưa ông, tác động của chống dịch lên sản xuất kinh doanh của DN và mưu sinh của người dân là rất lớn, qua trường hợp Hải Dương. 

Qua đợt dịch ở Hải Dương vừa rồi, lại một lần nữa ta nhìn thấy những tổn thất về kinh tế mà dịch bệnh đem lại là rất lớn. Nó sẽ còn tiếp tục tác động lâu dài đến đời sống người nông dân, những thành phần lao động yếu thế trong xã hội.

Suốt 1 năm qua, chúng ta đã hình dung nhưng vẫn chưa thể nào hiểu hết được sự khốc liệt của nó cho đến khi xảy ra vụ nông sản ở Hải Dương vừa qua. Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ là hỗ trợ thế nào đây trong lúc đất nước tiền không có nhiều như các quốc gia phát triển khác, rồi hệ thống quản lí công dân, DN còn yếu nên không thể nào tránh khỏi trường hợp bỏ sót DN và người dân tiếp nhận các khoản hỗ trợ...

Trong khi đó, chúng ta lại luôn tuyệt đối hoá vấn đề, không chấp nhận sai sót, nên những người thực hiện triển khai hỗ trợ đều phải làm đi làm lại, xin ý kiến cấp trên để tránh trường hợp khi báo chí phát hiện ra có trường hợp sai sót thì bị quy trách nhiệm. Tư duy này tạo lực cản rất lớn cho việc triển khai nhanh chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng.

Tỉnh táo, bình tĩnh

Làm sao để cân bằng, hài hòa chính sách chống dịch hiện nay với phát triển kinh tế? 

Như tôi đã nhấn mạnh một điều ngay từ đầu, chúng ta hay tư duy tuyệt đối hoá. Hãy nhìn phác đồ điều trị Covid của Việt Nam với các nước thế giới thế nào.

‘Tái lập vĩ đại’ sau Covid-19: Chúng ta có nên lo lắng?

Ở các nước châu Âu hay Mỹ… người mắc Covid trước tiên phải điều trị tại nhà. Bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng chống, chữa bệnh từ xa trước đã. Trong khi đó, ở Việt Nam người mắc Covid-19 là phải đưa ngay vào bệnh viện.

Nói vậy để thấy, ta hơi sợ Covid-19 một cách thái quá. Cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới tạo ra được trạng thái bình thường mới.

Sắp tới chúng ta cần thay đổi nhận thức từ kinh nghiệm thành công của 1 năm qua. Cần hiểu đúng bản chất cơ chế truyền dịch lây nhiễm của dịch bệnh để có ứng xử đúng với người bệnh.

Châu Âu và các nước có nền y học hiện đại coi nó là một dịch bệnh, cũng như một loại cúm có khả năng lây lan, để từ đó phòng chống. Dựa trên quan điểm đó, sẽ tìm được điểm chung giữa lợi ích xã hội, phát triển kinh tế với chống dịch.

Chiến lược kép chống dịch suốt 1 năm qua đi bằng hai chân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đến nay cần thay đổi khi đã chế tạo thành công vắc-xin và đang mở rộng tiêm chủng. Việc bùng phát dịch vào tháng 1/2021 vừa qua ở một số địa phương càng khiến cho người dân, DN thiệt hại rất lớn, khả năng phục hồi kinh tế đến cuối năm sẽ chậm, ngân sách nhà nước sẽ bị quá tải.

Thưa ông, cứ có ca dương tính nào là các tỉnh phong tỏa cả quận, huyện, thậm chí cả tỉnh, làm cho người dân không lường trước được. Ông có cho rằng điều này cần thay đổi?

Phương án phòng chống dịch và cách truyền thông phải khác. Khác ở chỗ, nhận diện rõ cơ chế truyền dịch và lây nhiễm để đưa ra những phương án phòng dịch hiệu quả hơn chứ không như vừa qua là cách ly tập trung ngay lập tức. Việc đưa cách ly tập trung ngay đối với các đối tượng nhập cảnh là chính xác, nhưng với các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cần cân nhắc phương án cách ly tại nhà. Truyền thông cũng cần vận động để người dân hiểu và chia sẻ với gánh nặng của Nhà nước.

Đồng thời, đổi mới phương thức với nền kinh tế vắc-xin. Chúng ta cần nhìn nhận vắc-xin vừa là vấn đề kinh tế, vừa là chính trị. Hiện nay, chúng ta không đủ tiềm lực về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế để chen vào chuỗi phân phối vắc-xin. Vì vậy, ta cần tự sản xuất và có các giải pháp như một số nước áp dụng trong trường hợp khẩn cấp (như Mỹ áp dụng luật thời chiến cho sản xuất vắc-xin).

Quan trọng nhất, Nhà nước phải bỏ tiền ra mua vắc-xin đó của các cơ quan sản xuất trong nước bằng 2/3 giá thành vắc-xin quốc tế để khuyến khích DN tư nhân, các viện nghiên cứu, nhà khoa học đầu tư thêm công sức vào nghiên cứu, thử nghiệm.

Năng lực xét nghiệm PCR của chúng ta cũng hạn chế nên đợt bùng dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương vừa qua, ta đã có cách làm sáng tạo là các tỉnh khác giúp xét nghiệm. Chi phí cho xét nghiệm ở diện rộng là rất tốn kém, không ngân sách nào chịu nổi, vì vậy tới đây cần xã hội hoá việc sản xuất và sử dụng bộ kit thử nghiệm nhanh, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm ở một số trung tâm.