Ai 'sợ' Mobile Money: Ví điện tử hay ngân hàng?

Kinh doanh - Ngày đăng : 20:56, 10/03/2021

Tôi là "cha đẻ" của ví điện tử trong ngân hàng nhưng tôi vẫn ủng hộ Mobilie Money", một chuyên gia trong lĩnh vực Fintech chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý thí điểm Mobile Money trong 2 năm. Thông tin trên nhận được quan tâm từ thị trường, đặc biệt là cộng đồng công nghệ, Fintech. Bởi lẽ, Mobile Money được cho là loại hình giao dịch phù hợp với những nhu cầu chi tiêu hàng ngày như thanh toán hóa đơn với giá trị nhỏ và vừa phải, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân càng có thêm lựa chọn 

"Mobile Money không hẳn là đối thủ của các ngân hàng", ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, bình luận với Dân trí. Dù chính là người "đẻ" ra ví điện tử tại cơ quan cũ của mình, ông Thắng cho biết vẫn luôn ủng hộ Mobile Money. Theo ông, dịch vụ thanh toán, thu hộ chỉ là một phần mảng nhỏ nên kể cả khi có Mobile Money, ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng.

Theo ông Thắng, ngân hàng không nên dùng phần nhỏ bị tác động của mình để coi các đơn vị khác là đối thủ. Thay vào đó, các nhà băng nên tập trung vào những phần việc chính của mình như huy động tiết kiệm, cho vay và tư vấn tài chính. Đặc biệt, khi có càng nhiều đơn vị tham gia vào thị trường này, người dân càng hiểu hơn về thanh toán online.

"Giữa Mobile Money và các hệ thống ngân hàng thì ngân hàng có thể sẽ giảm sút về thanh toán tiền điện, nước. Nhưng thay vì thế, các nhà băng nên phát huy các dịch vụ thế mạnh như huy động được tiết kiệm, cho vay. Bởi theo luật tín dụng, các ví điện tử, cổng thanh toán không được cấp phép tính năng này", ông Thắng cho hay.

Ai sợ Mobile Money: Ví điện tử hay ngân hàng? - 1

Mobile Money bắt đầu được áp dụng thí điểm từ ngày 9/3/2021 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ai "sợ" Mobile Money?

Theo chuyên gia này, nếu có, đối thủ lớn nhất của Mobile Money có lẽ là những công ty làm nhiệm vụ cổng thanh toán như MoMo, Moca… Còn với ngân hàng, thay vì coi Mobile Money là đối thủ, ngân hàng cần tập trung vào những tính năng chuyên môn hóa, khuyến khích các ứng dụng như vậy thì người dân mới nhanh tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt.

Mobile Money xuất hiện cũng là dịp để chính các ngân hàng hay ví điện tử phải tự nâng cao các dịch vụ. Bởi người dân thấy thuận tiện thì họ sẽ tiếp tục dùng các ứng dụng của họ để thanh toán. Thời gian tới, khi ứng dụng Mobile Money được triển khai, người dân không cần bắt buộc mở tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền điện, nước mỗi tháng. Người dùng hoàn toàn có thể thanh toán bằng số dư tài khoản điện thoại.

Theo quy định, các khách hàng chỉ cần có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Ngoài ra, các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.

"Người trong cuộc" nói gì?

Dù thế, sự ra đời của Mobile Money, theo một số ngân hàng và ví điện tử, cũng không đe dọa gì đến những đơn vị được cho là "người trong cuộc" bị ảnh hưởng này.

Nguồn tin từ một doanh nghiệp phát triển ví điện tử nổi tiếng ở Việt Nam cho biết đơn vị này không đưa ra bình luận gì liên quan đến câu chuyện Mobile Money. Theo vị này, mỗi loại hình sẽ đều có một cách thức vận hành riêng, quan trọng nhất là thúc đẩy được thói quen thanh toán không tiền mặt của người dân, đi đúng chủ trương của Chính phủ.

Còn theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, bản chất, Mobile Money sẽ hướng đến các khách hàng không có tài khoản ngân hàng, là cách để "phổ cập" thanh toán không tiền mặt nên sự ra đời của loại hình này là tốt, không đe dọa đến nhà băng. Nếu kết hợp được với Mobile Money, ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng khách hàng.

"Ngân hàng nào phản ứng khi có thông tin Mobile Money ra đời là có phần bảo vệ quyền lợi riêng của mình, bảo vệ lợi ích của mình mà không nhìn khía cạnh tổng thể là sự thuận tiện cho người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa", ông Nguyễn Đình Thắng bình luận. Bởi lẽ, với những đối tượng khách hàng nói trên, việc mở tài khoản với họ rất khó khăn. Chưa kể, việc mở tài khoản mà mỗi tháng chỉ để thanh toán vài trăm nghìn đồng tiền điện, nước là không cần thiết.

Được cho là loại giao dịch tiện lợi, tuy nhiên, theo một số chuyên gia Fintech,  Mobile Money cũng có vấn đề cần phải lưu ý là việc xác định nhân thân của người sử dụng. Bởi lẽ, sim rác đang được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Người dùng hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản Mobile Money bằng sim rác, điều này dẫn tới việc khó quản lý.

Trách nhiệm quản lý này, theo các chuyên gia, là của đơn vị vận hành. Các đơn vị vận hành phải thường xuyên quản lý, sàng lọc và có chính sách để người dùng giữ sim đó lâu hơn.

Một số nghi ngại liên quan tới việc ứng dụng Mobile Money có thể dùng để rửa tiền. Nhưng theo ông Thắng, với hạn mức giao dịch 10 triệu đồng/tháng thì việc rửa tiền khó xảy ra.

Theo quy định, dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.

Trong thời gian thí điểm, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money cũng bị cấm trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile Money.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn) hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận.

Các hành vi bị cấm khác là thuê, cho thuê, mượn cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản Mobile Money và thông tin tài khoản Mobile Money; doanh nghiệp thực hiện thí điểm sử dụng nguồn tiền từ tài khoản Mobile Money của khách hàng cho các mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm…

Thế Hưng