Phục hồi tăng trưởng kinh tế: Cách dùng tiền và vai trò Chính phủ điện tử
Kinh doanh - Ngày đăng : 19:07, 17/01/2021
Theo nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế - GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt từ 7-7,5% nếu có được các giải pháp đồng bộ, từ công tác kiểm soát tốt dịch bệnh đến các biện pháp hỗ trợ phục hồi và kích thích tăng trưởng.
Giới phân tích kinh tế đặc biệt đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế vượt qua nhanh giai đoạn khó khăn để có được tăng trưởng kinh tế, với GDP cả năm 2020 đạt 2,91%. Đây là cơ sở quan trọng để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng tới các giải pháp “phục hồi” và “kích thích” để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Về biện pháp giúp “phục hồi”, với lập luận nền kinh tế có tới 97% là DNVVN và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể - vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 - nên vẫn cần được hỗ trợ, tiếp sức.
TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, thay vì sử dụng “gói tiền” trực tiếp hỗ trợ, Chính phủ nên thông qua các khoản ưu đãi thuế, tín dụng cho DN, nhất là những DN đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới theo xu thế của CMCN 4.0 và vận hành theo trạng thái “bình thường mới".
“Tất cả các chính sách này cần phải được triển khai ngay để kịp thời đến được với DN, đó mới là cái dẫn dắt và động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trong thời gian tiếp theo. Ví dụ như ưu đãi thuế hay hỗ trợ DN đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội phải có những sửa đổi nhất định trong các luật có liên quan. Điều này đòi hỏi phải thay đổi chính sách rất nhanh, phải làm ngay để kịp trình các cấp có thẩm quyền để trình ra Quốc hội mới có thể có hiệu lực thực hiện trong 6 tháng cuối năm này, nếu không sẽ bị muộn…”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.
Cùng với phục hồi, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định, Chính phủ cũng cần có ngay các giải pháp để “kích thích” nền kinh tế tăng trưởng nhanh, làm tiền đề cho tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025 cũng như tăng trưởng bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn. Theo đó, cần tập trung nguồn lực Nhà nước để giải ngân hiệu quả các dự án đầu tư công có tác động ngay tới tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.
“Hiện nay nhu cầu và cơ hội đầu tư công quá lớn và nên tập trung vào những dự án hạ tầng quy mô lớn. Bây giờ chỉ tập trung nguồn vốn đang khan hiếm vào những dự án đó để nhanh chóng được hoàn thành và có tác dụng đưa vào khai thác trên thực tế để tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế…”, TS. Nguyễn Đình Cung đưa giải pháp.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh đến các dự án cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội, như đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và những dự án giúp giảm thiểu tác hại môi trường, chống biến đổi khí hậu (ở khu vực ĐBSCL…) cho tác động lan tỏa và tăng trưởng bền vững.
“Việc tăng cường đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có tác động rất lớn. Thứ nhất là nó tạo ra cơ sở hạ tầng rất tốt cho khu vực vùng sâu vùng xa để tăng cường giao lưu hàng hóa. Thứ hai là người dân có nguồn kinh phí, có thu nhập và từ đó sẽ kích thích tiêu dùng hàng hóa trong nước. Việc kích thích tiêu dùng hàng hóa sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, TS Lương Văn Khôi phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, các gói kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh của CMCN 4.0 và kinh tế số cũng cần phải gắn chặt với các xu thế phát triển mới trên thế giới. “Cần chính sách tiếp tục hỗ trợ DN, người dân và người lao động vượt qua khó khăn. Gói hỗ trợ này cũng như gói thứ nhất nhưng còn phải hơn thế và phải đủ dài, đủ về diện và điểm, đủ về quy mô và phải gắn với cải cách cơ cấu cũng như xu thế phát triển trên thế giới, ví dụ như vấn đề chuyển đổi số, cách thức sống, cách thức tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS. Võ Trí Thành lập luận.
Các chuyên gia khẳng định, cùng với gói kích thích phục hồi, tăng trưởng kinh tế bằng nguồn lực “tiền”, cần đẩy mạnh ứng dụng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan công quyền với DN và người dân. Phải coi trọng 2 điểm nhấn, đó là phát triển thương mại điện tử, tăng chuyển đổi số trong hoạt động của DN, đặc biệt là tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn những mô hình kinh doanh mới dựa trên những kết nối nền tảng./.