Loạt cán bộ hải quan 'nhúng chàm' vì bảo kê buôn lậu, nhận hối lộ
Kinh doanh - Ngày đăng : 10:15, 28/12/2020
Các cán bộ hải quan này bị tạm đình chỉ để xem xét trách nhiệm và phục vụ công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng liên quan tới vụ việc xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh ngày 17/12/2020.
Hàng loạt cán bộ hải quan ở Quảng Ninh bị đình chỉ chức vụ sau vụ bắt "cả gia đình" buôn lậu |
Trước đó, ngày 24/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về tội Buôn lậu. Đây là đường dây buôn lậu hoạt động có tổ chức, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh).
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đình chỉ chức vụ, xử lý các cán bộ hải quan có liên quan đến việc bảo kê buôn lậu. Thậm chí có những cán bộ hải quan phải "xộ khám" vì tiếp tay cho buôn lậu.
Hồi tháng 6/2020, một cán bộ của Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan đã bị bắt do liên quan đến vụ án buôn lậu xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, ông Phạm Chí Kiên (SN 1984) - chuyên viên phân tích Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan - đã bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt để tạm giam và khám xét đối với đối tượng. Ông Kiên bị bắt vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, ngày 28/3, Tổng cục Hải quan cũng đã đình chỉ chức vụ đối với 3 hải quan bị Bộ Công an bắt giam vì liên quan đến vụ án buôn lậu này.
Theo đó, các đối tượng bị đình chỉ chức vụ do bị Bộ Công an bắt giữ gồm Phùng Như Tùng (sinh năm 1979), Trưởng Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định hải quan; Hoàng Duy Huân (sinh năm 1980), cán bộ Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định hải quan; Lê Khánh Hương (sinh năm 1980), cán bộ Chi cục Kiểm định hải quan 1, Cục Kiểm định hải quan, Tổng cục Hải quan.
Hay mới đây, hồi tháng 10/2020, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 4 công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài để làm rõ nghi vấn "làm luật" doanh nghiệp, người dân.
Bốn công chức nữ nói trên thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài bị tạm đình chỉ chức vụ do nghi liên quan đến video độc quyền của báo Đại Đoàn Kết với tiêu đề "Những 'tờ xanh' kẹp trong hồ sơ ở Hải quan Hà Nội".
Hình ảnh nghi vấn cán bộ hải quan Hà Nội nhận tiền được đăng tải trong phóng sự của báo Đại Đoàn Kết |
Trong phóng sự đó, phóng viên đã ghi nhận nhiều dấu hiệu nghi là làm luật, nhận tiền bôi trơn của cán bộ hải quan. Theo đó, để thông quan một lô hàng, sau khi doanh nghiệp cung cấp bộ chứng từ hàng hóa nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên "chạy lệnh" sẽ tiến hành khai báo hải quan trên hệ thống khai báo điện tử của Tổng cục hải quan và đợi phân "luồng".
Đối với những lô hàng bị phân luồng đỏ, hồ sơ sẽ được chuyển qua bộ phận hải quan kiểm hóa. Ở đây, người chạy lệnh tiếp tục phải "lót tay" với phí "bôi trơn" từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/tờ khai tùy mặt hàng. Tiền này sẽ kẹp vào bộ hồ sơ, đưa trực tiếp cho cán bộ hải quan phụ trách kiểm tra lô hàng.
Đáng chú ý, tháng 5/2020 vừa qua, sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin Công ty Tenma (Nhật Bản) khai đã hối lộ các quan chức Việt Nam 25 triệu Yên, Tổng cục Hải quan đã đình chỉ 6 cán bộ Cục Hải quan Bắc Ninh để điều tra làm rõ nghi vấn này.
Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội chiều nay (28/5) sau vụ việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ không chỉ xử lý cán bộ hải quan, thuế "dính" tiêu cực theo sự vụ mà còn có giải pháp phòng ngừa.
Theo đó, để phòng ngừa tham nhũng, từ năm 2014, Bộ Tài chính đã thực hiện luân phiên, luân chuyển vị trí công tác của các cán bộ. Mỗi năm có trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác.
Tuy vậy, số cán bộ hải quan liên tiếp bị bắt, đình chỉ chức vụ do nhũng nhiễu, nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu… vẫn thường xuyên xảy ra.