'Nhận nhà cũ, trả nhà mới', chàng trai 'bỏ túi' 2 tỷ đồng trong 6 tháng
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:02, 21/10/2020
Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ “lao đao” trước đại dịch Covid-19 thì Quý lại quyết định tận dụng thời điểm này để thay đổi bản thân, tìm hướng đi mới trong lĩnh vực thiết kế.
Khi xã hội chuyển từ giai đoạn “ăn đủ, mặc đủ” sang “ăn ngon, mặc đẹp” thì việc cải tạo không gian sống trở thành “nơi ở đẹp” cũng là một xu hướng tất yếu và ngày càng phổ biến.
“Trước thời điểm dịch mình đã bắt đầu thực hiện các công trình cải tạo nhà ở. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mình có chia sẻ hình ảnh “before - after” của các công trình đó lên mạng xã hội và thật bất ngờ khi nhận được sự yêu thích, chia sẻ rộng rãi của mọi người. Số lượng khách muốn được tư vấn thiết kế tăng đột biến”, Anh Quý chia sẻ.
Thế là trong lúc nhiều người ở nhà phòng dịch, Anh Quý lại “dồn toàn lực” để thực hiện các dự án “thổi hồn cho nhà cũ”.
Hầu hết những ngôi nhà trước khi cải tạo đều trong tình trạng xuống cấp: nhẹ thì thấm dột, ẩm mốc, nặng thì sụt lún, nghiêng tường; kết cấu chật hẹp, bất hợp lý. Việc cải tạo không hề dễ so với xây dựng nhà mới. Cải tạo nhà đòi hỏi quy trình thi công vừa phải đáp ứng các quy định về an toàn, chất lượng công trình mà vừa phải đẹp về mặt thẩm mỹ.
“Mỗi ngôi nhà đều là một đề bài mới dành cho mình, không nhà nào giống nhà nào. Trước tiên mình phải phân tích được cho khách hàng hiểu sự khác biệt, ưu điểm - nhược điểm của việc xây mới và cải tạo.
Sau đó, mất không ít thời gian để khảo sát tình trạng ngôi nhà mới có thể đưa ra phương án cải tạo hợp lý nhất”, Quý cho biết.
Bên cạnh đó, Quý cũng tìm hiểu nắm rõ chi phí đầu tư của khách hàng để lên phương án khả thi.
Thời điểm giãn cách xã hội “vô tình” mang tới cơ hội lớn cho chàng kiến trúc sư trẻ nhưng cũng là giai đoạn việc triển khai các khâu tư vấn, cải tạo gặp không ít khó khăn.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, Quý thường xuyên phải tư vấn, trao đổi kế hoạch với khách hàng qua điện thoại/email; đồng thời cũng thực hiện làm việc với các cộng sự từ xa thay vì trực tiếp như trước đây. Đối với công việc thiết kế thì đây là trở ngại không hề nhỏ. Chưa kể đến là việc tìm mua các vật liệu, thiết bị… cũng ít nhiều ảnh hưởng.
“Thời điểm cao điểm nhất, mình nhận được 17 - 18 hợp đồng cải tạo, vừa thiết kế vừa thi công trong tháng. Để đảm bảo tiến độ công việc, có khi mỗi ngày chỉ dám ngủ 3-4 tiếng. Ban ngày đi khảo sát, gặp khách hàng, tối về hoàn thiện bản thiết kế, trao đổi với đơn vị thi công, cộng sự…”, Quý chia sẻ.
Có thời điểm vừa lo tiến độ công trình vừa lo tuyển nhân viên, Quý cũng gặp áp lực, cảm thấy kiệt sức. Công việc thiết kế cũng là nghề “làm dâu trăm họ”.
“Nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, các bức tường đều hư hại nặng nhưng cái khó là đó lại là tường chung. Vừa thi công mình phải vừa cố gắng hạn chế tiếng ồn, vừa phải thuyết phục, giải thích cho cả gia đình hàng xóm để họ yên tâm là việc thi công không ảnh hưởng đến ngôi nhà của họ.
Chưa kể nhiều căn nhà còn nằm trong ngõ, hẻm sâu, vận chuyển vật liệu rất khó khăn. Đôi khi kiến trúc sư như mình thêm cả phần việc vận chuyển vật liệu luôn”, Anh Quý chia sẻ.
Nhiều công trình do Anh Quý thực hiện có chi phí cải tạo lên đến hàng tỷ đồng. “Một số người có ý kiến rằng với số tiền đó thì xây mới chứ tội gì cải tạo cho lãng phí. Nhưng thực ra, chi phí để xây mới gấp 2 - 3 lần chi phí cải tạo. Việc cải tạo bản chất là giữ lại kết cấu ngôi nhà, còn nhiệm vụ của kiến trúc sư là khắc phục tình trạng xuống cấp, bố trí lại không gian sao cho hợp lý, tăng công năng sử dụng”.
Sau 6 tháng đầu năm, Anh Quý đã cải tạo hàng chục ngôi nhà trên khắp các tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hà Nội... đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ việc “nhận nhà cũ, trả nhà mới”. Anh cũng đổi văn phòng làm việc sang một vị trí mới ở trung tâm Sài Gòn với không gian rộng, sáng tạo hơn cho các cộng sự.
“Thiết kế kiến trúc là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ nên mình vẫn đang cố gắng để làm đậm hơn dấu ấn cá nhân trong mỗi công trình; cố gắng học hỏi thêm để có những hướng đi mới hiệu quả”, Quý cho biết.