Gánh hàng rong ở TP.HCM cố bám trụ chờ hết giãn cách
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 21:17, 12/06/2021
Mòn mỏi chờ ngày hết giãn cách
Cầm xấp vé số đi bộ dọc các con đường ở Quận 1, TP.HCM, ông Bùi Ngọc Dạo, 60 tuổi quê ở Thanh Hóa tâm sự, hơn một tuần nay, người mua ít, thu nhập cũng giảm hẳn nên ông lấy ít vé số, sợ bán không hết. Hôm nào may mắn mới bán hết để về sớm. Dịch bệnh, người dân ít ra đường nên ông phải đi xa hơn.
Ông Dạo cho hay, đợt này phường xếp ông vào danh sách nằm trong diện có thể được hỗ trợ của TP vì thế ông cũng cảm thấy đỡ lo phần nào trong thời điểm khó khăn này.
“Ngày trước, bình thường tôi bán khoảng 200.000 đồng, lấy thêm bán cố gắng được 300.000 đồng. Tình hình dịch bệnh năm nay khá khó khăn, mình đề phòng dịch bệnh thôi. Còn Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Dạo nói.
Cùng chung cảnh buôn bán ế ẩm những ngày này, bà Trần Kim Yến đẩy chiếc xe bán nước giải khát quanh khu vực Quận 3, Quận 1 để mưu sinh. Bà Yến đang thuê trọ ở quận Phú Nhuận, hằng ngày đạp xe đến trung tâm bán nước giải khát, đến nay đã hơn 5 năm. Trước giãn cách, mỗi ngày, bà bán đủ tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng những ngày dịch này ở nhà thì lo không đủ trả tiền ăn uống, sinh hoạt..., nên dù mưa hay nắng bà cũng ráng đi bán hàng.
“Ngày dịch bán ế lắm, ngày bán được mấy chai nước. Trước đó, bán cũng được còn bây giờ đi bán cho có. Tôi mong sao thành phố lại sinh hoạt được như ngày thường”, bà Yến than thở.
Cũng xoay sở sống qua ngày, gia đình của chị Trần Lương Nguyệt Tâm (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TP.HCM) lại đang thêm mối lo vì khu trọ của chị đang được phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19.
Quê ở Bình Thuận, 3 năm trước hai vợ chồng chị Tâm khăn gói lên TP.HCM lập nghiệp, chồng làm công nhân, vợ thu mua ve chai. Do dịch bệnh Covid-19, cả hai vợ chồng đều không thể đi làm, thu nhập giảm sút, khoản tiết kiệm ít ỏi đành phải lấy ra chi tiêu.
Chị Tâm mong sao dịch bệnh sớm được khống chế, để hai vợ chồng được đi làm trở lại: “Ở nhà thì mình phải trả tiền nhà, ăn uống vẫn phải bỏ tiền túi ra. Không đi làm thì không có tiền, còn con nhỏ nữa, nhiều thứ lắm mà mọi thứ đều cần đến tiền mà giờ không có để chi”.
Hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn
Thời gian qua, TPH.CM có rất nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động, những người bán hàng rong, bán vé số... bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có thể kể đến mô hình "đi chợ giúp dân" trong các khu phong tỏa tạm thời; tặng khẩu trang, nước rửa tay, sát khuẩn tại Phường Bình Thọ, Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức; hay chương trình ATM gạo miễn phí và gian hàng 0 đồng diễn ra từ ngày 9 đến 18/6 do Ủy ban MTTQ Quận 7 tổ chức...
Ông Dương Tấn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường 6, Quận 8 cho biết, những ngày qua, phường đã cùng các mạnh thường quân đến thăm hỏi, trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, mỗi phần quà gồm các nhu yếu phẩm như gạo, mì,... Phường cũng nhanh chóng rà soát, lên danh sách hơn 1000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn để sớm có phương án chăm lo.
“Chúng tôi lập danh sách, khảo sát lại hết các đối tượng khó khăn, để khi có chỉ đạo mình sẽ tổ chức chăm lo. Sắp tới, phường cũng làm những gian hàng nghĩa tình hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, cận nghèo vào sáng thứ 7 mỗi tuần cho người dân trên địa bàn phường, quận”, ông Dương Tấn Lộc cho biết.
Cuộc sống của những người lao động tự do, buôn gánh bán bưng càng chật vật hơn trong những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Chính vì thế, gói hỗ trợ lần 2 vừa được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP,HCM đề xuất là chính sách kịp thời và thiết thực, dự kiến sẽ giúp đỡ khoảng 230.000 lao động tự do, trong đó có người bán hàng rong, bán vé số, người thu gom rác…
Số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho mỗi người tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm chăm lo đối với người lao động nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19./.