Vải thiều Bắc Giang và nỗi lo cung đường vận chuyển trong mùa dịch Covid-19

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:04, 31/05/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Bắc Giang coi trọng giải pháp tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của trái vải thiều khi đi từ Bắc Giang đến các tỉnh thì giao thông thuận lợi là vô cùng quan trọng.

Trái vải thiều đã chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang - nơi chiếm tới hơn 80% sản lượng vải của cả nước đã xây dựng “3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19”. Giải pháp tiêu thụ tại thị trường trong nước được Bắc Giang coi trọng.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, từ việc làm sao để người tiêu dùng chọn mua, yêu thích trái vải thay vì “giải cứu”, và đường đi của trái vải khi đã đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn khi ra khỏi vùng dịch được vận chuyển “hanh thông”, thuận tiện thay vì “ngăn sông, cấm chợ” như đã từng xảy ra. Nhất là người miền Nam vốn ưa thích trái vải, nhưng cung đường từ Bắc vô Nam thì xa mà thời gian bảo quản trái vải tươi ngon lại ngắn.

Tại cuộc họp về tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với Bộ Công Thương mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ trái vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, với kịch bản 1 - dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi, sản lượng tiêu thụ nội địa là 50% và xuất khẩu là 50%. Ở kịch bản 2 - dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng tiêu thụ nội địa là 70% và 30% xuất khẩu. Với kịch bản 3 - trường hợp dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu “nhỏ giọt”, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa, chiếm 90%, xuất khẩu 10%.

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh, Bắc Giang đặc biệt coi trọng thị trường trong nước trong tiêu thụ trái vải thiều đặc sản của địa phương. Để có thể đạt được tỷ lệ 60-70% tiêu thụ tại thị trường trong nước từ năm nay, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, rất cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trong việc đưa quả vải vào các kênh phân phối truyền thống cũng như giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, chợ truyền thống… Nhưng, để đảm bảo chất lượng của trái vải thiều thì giao thông thuận lợi là vô cùng quan trọng.

Ông Dương Văn Thái thông tin về trách nhiệm của tỉnh trong việc đảm bảo an toàn cho quả vải cũng như người và phương tiện vận chuyển, đồng thời nêu kiến nghị: "Bắc Giang chúng tôi đã có chỉ đạo, thứ nhất là đối với lái xe chở vải là đã cho test nhanh và Trung tâm y tế xác định có âm tính là có giấy xác nhận. Thứ 2 là đối với trái vải thì Sở Nông nghiệp là cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn và có đầy đủ các bộ hồ sơ rồi. Thế nhưng cứ qua mỗi trạm lại thủ tục kiểm tra thế thì nó mất rất nhiều thời gian mà từ đây vào TP HCM là mất rất nhiều thời gian. Và thị trường nội địa như năm ngoái thì chiếm khoảng 50% sản lượng, nhưng năm nay chúng tôi muốn đẩy lên 60-70%. Muốn đẩy lên được như thế thì việc giao thông, thông thương và đưa được quả vải vào các kênh phân phối, siêu thị là rất quan trọng...".

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có kết nối với các hệ thống phân phối bán lẻ, các Tập đoàn, siêu thị lớn như Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart&Vinmart+, Aeon, Lotte…; các chợ đầu mối nông sản, hoa quả ở thành phố Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ trái vải cho Bắc Giang ngay từ đầu vụ.

Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ cũng đã phối hợp với các Sàn Thương mại điện tử để tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Đặc biệt năm 2021 này Bắc Giang đã tổ chức được các gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba; đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn thương mại điện tử…

Liên quan đến việc lưu thông hàng hóa, trong đó có sản phẩm vải thiều Bắc Giang tại thị trường nội địa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đã phối hợp với Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về quy trình từ vùng dịch ra để lưu thông đi các tỉnh. Về việc đi qua các chốt, trạm thì Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện (như Hải Dương trước đây để hỗ trợ cho hàng hóa của Hải Dương), tuy nhiên việc quá trình đi lại, xe, phương tiện giao thông thì là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có trách nhiệm theo chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ phải có hướng dẫn theo một quy trình..".

Trên thực tế, về việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đối với các vùng có dịch, tại các cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Y tế ban hành ngay quy chế về bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong hoạt động vận tải đi và đến, qua lại vùng dịch và những địa điểm có dịch. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Giao thông vẫn chưa có được văn bản/quy định này để triển khai thực hiện, trong khi trái vải thì đã bắt đầu vào chính vụ.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang, trước những kiến nghị của tỉnh này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Chúng tôi đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý là trong hướng dẫn thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thì có một điểm là khi cần thiết thì các địa phương nơi có dịch chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương đặc biệt là các địa phương đang có dịch để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ.

Điều này hết sức quan trọng vì hiện nay thì có thể Bắc Giang hiểu được điều là những sản phẩm của chúng ta ở địa phương thì đảm bảo vệ sinh an toàn, đặc biệt là về dịch, nhưng đến một tỉnh phía Nam thì họ không biết là cái xe đó có đảm bảo không. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Giang nên cử một đầu mối do tỉnh quyết định cấp chứng nhận cho sản phẩm hàng hóa nào đi từ tỉnh Bắc Giang để đi qua bất kỳ tình, thành phố nào để khi cần thiết thì trình tờ giấy đó ra.

Và những đơn vị khi đã cấp thì phải chịu trách nhiệm thì để tạo thuận lợi hơn, tránh trường hợp đi qua một tỉnh/địa bàn nào đó lại phải chờ đợi xác nhận thì có thể sẽ rất mất thời gian và mất thời cơ của các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến chất lượng của các nông sản nhất là như quả vải thiều…".

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: "Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm ban toàn phòng chống dịch trong hoạt động vận tải đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch thì chúng tôi cũng rất mong là sớm nhất thì Bộ GTVT sẽ có ban hành quy định này để cho các tỉnh, thành phố có thể dựa trên đó để có thể thực hiện...".

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Không chỉ trái vải thiều ở Bắc Giang đang vào chính vụ, thời gian này đang là mùa thu hoạch của rất nhiều loại nông sản, trái cây – với đặc tính ngắn ngày, lại không bảo quản lâu được.

Muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trái cây tại thị trường nội địa, để không cần phải “giải cứu”, để người tiêu dùng yêu thích, chọn mua vì chất lượng của trái cây, nông sản Việt thì việc sớm ban hành các quy chế, quy định về an toàn phòng chống dịch trong hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa từ phía Bộ Giao thông vận tải là điều cần thiết lúc này./.