Thu nhập của cử nhân thua xa cô bán hủ tiếu lề đường: 'Người ta kiếm 24 triệu/tháng, tôi đi làm 5 năm chỉ bằng một nửa'
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:14, 13/05/2021
Lương cử nhân thua xa người bán hủ tiếu
“Có nên đi học Đại học không, khi bằng Đại học không bằng cô bán hủ tiếu? Cô bán hủ tiếu bán 30k/tô, mỗi ngày cô bán được 80 tô, lời 800 nghìn, 1 tháng thu nhập khoảng 24 triệu. Trong khi tôi đi làm 5 năm, lương chỉ có 12 triệu. Vậy bằng Đại học có giá trị gì?”. Đó là chia sẻ ẩn danh của một thanh niên đang tạo ra tranh luận dữ dội trên các diễn đàn mạng.
Thời gian qua, khi mỗi khi chủ đề về những người kinh doanh tự do hoặc lao động chân tay có thu nhập “khủng” như người bán trà đá thu 20 triệu/tháng, chủ quán phở sở hữu xế sang, vài bất động sản ở khu trung tâm, cô nàng bán hàng online doanh thu hàng tỷ đồng/tháng… khiến dân tình "xỉu lên xỉu xuống".
Bên cạnh sự ngưỡng mộ, tò mò về bí quyết kinh doanh, cũng có những trí thức học hành nghiêm túc, có bằng cấp cảm thấy chạnh lòng. Nếu chỉ nhìn vào thu nhập, có thể hiểu rằng confession trên kia hoàn toàn có cơ sở. Nhưng liệu phép so sánh đó có thỏa đáng?
Trên thực tế, so sánh trên đã gây ra nhiều tranh cãi dữ dội từ phía dân mạng. Có người cho rằng, thanh niên kia quá phiến diện, chỉ nhìn thấy phần nổi (thu nhập) mà không thấu hiểu cho phần chìm - rủi ro, vất vả của những người lao động chân tay, kinh doanh nhỏ lẻ lấy công làm lãi.
Rồi ai vất vả hơn? Không nghĩ cô bán bún phải dậy từ mấy giờ sáng để nấu nước dùng, rồi đi chợ, rồi chế biến, bưng lên cho khách rồi lại dọn rửa. Và cả cô có bán được đều đặn mỗi ngày 80 tô không? Lỡ trời mưa bão, đau bệnh hay dịch như này, bán cho ai để hết hàng? Những ngày bán 5 - 10 tô rồi cả nhà ăn hủ tíu trừ bữa thì sao?
Một bên là kinh doanh tự do thu nhập không ổn định, dễ bị ảnh bởi nhiều vấn đề xung quanh, một bên là con đường học vấn, thu nhập tương đối ổn định, so vậy sao mà so!!!
Nhiều người chạnh lòng vì thu nhập không bằng một cô bán hủ tiếu |
Cũng có những ý kiến cho rằng, việc so sánh trên ngầm ý coi thường nghề lao động chân tay, không có sự tôn trọng sự khác biệt. Điều này thể hiện tư duy lệch lạc của thanh niên trên, và thật đáng buồn nếu một phần giới trẻ cũng đồng tình, tìm đến những con đường kiếm tiền nhanh chóng, dễ dàng thay vì đầu tư cho học tập.
Mỗi ngành nghề có sự vất vả khác nhau và có kết quả khác nhau. Nhưng có chung một quy luật đó là chí tiến thủ và đầu óc. Nếu không có chí tiến thủ và đầu óc thì bạn có 10 bằng Đại học cũng không bằng cô bán hủ tíu nhé.
Vấn đề là sở trường của cô là nấu hủ tíu, cô đã vận dụng tốt khả năng sở trường của mình. Còn chuyện bằng Đại học, tuy có lẽ đó không phải giúp mình thành công nhất, nhưng đó là con đường dễ đi và an toàn nhất. Không nên so sánh khập khiễng và tập trung cho con đường của mình.
Nếu bạn không thể thành công bằng việc lao động bằng đầu óc thì đó là do bạn không đủ năng lực phát triển nó. Đại học cho bạn kiến thức nhưng bạn vận dụng kiến thức đó như thế nào lại là chuyện của bạn. Đừng đổ tại nền giáo dục kém cỏi, do chính bạn kém cỏi thôi.
Đầu tư cho giáo dục là con đường chậm, nhưng không bao giờ sai lầm
Phép so sánh lấy tiền làm thước đo giá trị, sự thành công ở trên, đáng buồn là phản ánh suy nghĩ có thật của một nhóm người trong xã hội. Tôi đã từng chứng kiến một bà bán bún đậu mắm tôm quát con sa sả: “Tao tốn bao tiền cho mày đi học, bây giờ lương 6 triệu thì sống thế nào? Biết thế tao dồn tiền đấy làm vốn cho mày mở quán”.
Ở một vài nơi, thanh niên vẫn có tư tưởng học hết cấp 3 sẽ đi xuất khẩu lao động cho nhàn hạ vả lương cao. Sự chênh lệch thu nhập (trước mắt) cũng khiến nhiều người theo đuổi tri thức chạnh lòng, nản chí vì ăn học đàng hoàng nhưng tiền thua kém hơn.
Đó là một so sánh nông cạn, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Cần hiểu rằng, học tập không phải con đường nhanh nhất để thoát nghèo, nhưng sẽ mở ra vô số cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp. "Có bột mới gột nên hồ", việc được học hành nghiêm túc không chỉ mang lại khởi đầu tốt hơn so với những người lao động phổ thông, mà còn có thể tạo nhiều mối quan hệ hơn, mở mang kiến thức cho tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa những người lao động phổ thông là thấp kém hơn. Để có được thu nhập tốt, họ cũng phải có tích lũy kinh nghiệm bản thân, quỹ thời gian trau dồi tay nghề, để bật lên từ xuất phát điểm có phần thua thiệt. Chớ thấy họ kiếm được nhiều tiền hơn thì cho đó là sự bất công và tỏ ý ngờ vực, cổ vũ cho lối suy nghĩ thà buôn bán nhỏ mà giàu còn hơn theo đuổi con đường học vấn.
Nhưng có bột rồi, muốn gột nên hồ còn tùy thuộc vào bản thân mỗi người nữa. Dù có học tập hay kinh doanh mà bản thân không có mục tiêu, không có lý tưởng, không nỗ lực thì cũng không thể thành công được.
Cứ giữ cái tư tưởng làng nhàng, “ăn cắp” giờ làm của cơ quan để lướt mạng, mua hàng online, tán dóc vô bổ… để nhận lương hàng tháng, rồi than thở sao người này người khác thu nhập tốt hơn, có việc nhàn hơn, thánh công mới là chuyện lạ!
Dù sao thì, tất cả công việc đều đáng quý, nhưng nhìn về dài hạn, có học vẫn hơn. Đầu tư cho giáo dục là mối đầu tư lâu “sinh lời” (hoặc sinh lời theo một cách đặc biệt), nhưng không bao giờ sai lầm.