Áo choàng, găng tay chống tia cực tím: Chống được tới đâu?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:38, 26/03/2021
Đủ công nghệ chống nắng
Tại cửa hàng UV100 (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM), một đôi găng tay có giá hơn 500.000 đồng, cao gấp nhiều lần so với một đôi găng tay thông thường chỉ có giá khoảng 20.000-30.000 đồng.
Theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, loại găng tay này vừa chống được tia cực tím tới 99% vừa kháng khuẩn; có khả năng tản nhiệt, làm mát nhanh do chất vải thoáng khí... Những sản phẩm có tác dụng chống tia UV khác cũng có giá bán cao ngất ngưởng. Áo khoác trên 1 triệu đồng, kính mắt UV400 hơn 600.000 đồng/cái, khẩu trang trên 100.000 đồng/cái… Những sản phẩm này đều được kiểm định chất lượng và công dụng chống tia UV bởi một cơ quan kiểm định của... Úc.
Áo chống nắng có giá 140.000 đồng được một cửa hàng giới thiệu sản phẩm có đủ công nghệ với khả năng chống nắng lên đến 99% |
Tại cơ sở may chuyên sỉ 365 đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình, TPHCM), chúng tôi được giới thiệu nhiều mẫu chống nắng liền thân đa năng gồm có nón, khẩu trang, áo, váy và giá bán chỉ 125.000 đồng/sản phẩm.
Người bán cho rằng, sản phẩm được làm từ công nghệ UV Cut chống tia tử ngoại UPF 40 của Nhật Bản, giúp bảo vệ da khỏi 95% tia UV mà không cần bôi kem chống nắng.
Trên sản phẩm áo không hề có thông tin gì của nhà sản xuất ngoài dòng chữ “VNXK” - hàng Việt Nam xuất khẩu.
Còn tại một trang chuyên bán hàng mẹ và bé khác, nhiều sản phẩm chống nắng đang được rao bán và tự giới thiệu làm theo công nghệ AIRISM mới nhất của Nhật. Giá bán cũng chỉ 140.000 đồng/sản phẩm.
Một số nhãn hàng thời trang của Nhật như Uniqlo vốn nổi tiếng về việc sử dụng chất liệu vải có khả năng chống tia UV cho sản phẩm áo khoác chống nắng và giá bán sản phẩm trong chuỗi thời trang này không dưới 1 triệu đồng. Thế nhưng, những phẩm này cũng đang bị nhái và bán tại nhiều điểm, cá nhân với giá chỉ 200.000-300.000 đồng/sản phẩm.
Điểm chung của những điểm bán hàng mập mờ về chất lượng là thường đưa lý do chất liệu vải có chức năng chống tia UV không thể dùng mắt thường phân biệt được chất lượng của vải. Kèm theo đó là hàng loạt các... chứng chỉ quốc tế.
Chống UV, không cần sản phẩm chuyên dụng
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, có nhiều dạng bức xạ xung quanh chúng ta, bức xạ năng lượng cao là điện từ, bức xạ năng lượng thấp là tia hồng ngoại.
Tia UV được xếp vào dạng bức xạ năng lượng cao, có khả năng xuyên sâu qua lớp quần áo và gây tác hại lên da. Tia UV có ba loại: UVC (sóng ánh sáng ngắn), tia UVB (tác động mạnh lên bề mặt da, gây đỏ da, cháy nắng và nguy cơ ung thư da), tia UVA (có bước sóng dài nhất, xuyên sâu dưới da, gây lão hóa và nhăn da).
Chỉ số UPF là chỉ số đánh giá mức độ bảo vệ của chất liệu vải khỏi các tia UVA, UVB.
Chỉ số UPF càng cao thì lượng tia UV xuyên qua vải càng thấp. Một chiếc áo chống nắng hiệu quả cần sản xuất từ loại vải có chỉ số UPF từ 15 đến 50+, đó là khoảng UPF có tác dụng bảo vệ da một cách tốt nhất. Thông thường, chất liệu sợi tổng hợp như polyester hay nylon sẽ có khả năng chống tia UV cao hơn so với sợi vải cotton.
Tùy vật liệu vải mà có thể cản được được tia UV nào, ở mức độ khác nhau. Nếu như vải có khả năng chống được tia UVA, UVB thì nhà sản xuất phải thêm vào đó hóa chất chống tia UV (hóa chất này cũng có tên UV). Nhưng hóa chất tốt hay không, khả năng chống tia UV nào, chỉ số đến đâu thì phải được Viện Dệt may VN thí nghiệm và chứng nhận.
“Những sản phẩm giá rẻ ngoài đường, do không có dụng cụ đo đạc kiểm tra nên không biết chắc họ dùng vật liệu gì, có nhuộm hóa chất chống tia UV hay không, mức độ cản tia UV đến đâu. Nếu họ sử dụng vật liệu không đủ tốt, không nhuộm hóa chất UV nhưng lại tăng độ dày sản phẩm lên thì cũng có thể cản được tia UV, chỉ là mức cản không thể tối đa như quảng cáo”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa TPHCM cho rằng, một sản phẩm dù làm từ vật liệu gì đi nữa, chỉ cần tia UV không thể xuyên qua được là có khả năng chống nắng. Do đó, dù là bằng vải sợi tổng hợp, vải bông, vải jean, kaki… chỉ cần đủ dày là hoàn toàn có thể chống nắng hiệu quả mà giá khá rẻ. Nhưng đổi lại, các sản phẩm này không thể đem lại sự thoáng mát giữa trời nắng nóng như mong muốn.
“Với những sản phẩm được nhuộm hóa chất chống tia UV, tùy thuộc vào loại hóa chất sử dụng tốt hay không mà hóa chất nhuộm sẽ trôi dần qua các lần giặt. Rất nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay đều không công bố chỉ số chống tia UV bao nhiêu, nên khả năng chống tia UV cũng thuộc dạng… hên xui. Nếu như không có tiền mua một sản phẩm chống tia UV đắt tiền, cứ lấy một cái áo bất kỳ, đưa dưới ánh nắng, nếu như ánh nắng không thể xuyên qua lỗ vải thì sản phẩm có khả năng chống tia UV cao và ngược lại”, TS Huỳnh Khánh Duy khẳng định.
Theo ThS.BS.Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM - một số loại áo chống nắng có thể chống lại tia UV nhưng với một khả năng nhất định và vẫn không thay thế được kem chống nắng. Dù sử dụng áo khoác, khẩu trang, găng tay, kính… người tiêu dùng vẫn phải phối hợp với kem chống nắng để bảo vệ đầy đủ cho da khi ra ngoài nắng.
Chỉ số SPF trên sản phẩm kem chống nắng thể hiện khả năng bảo vệ da chống lại tia UVB, kem chống nắng sử dụng phải là loại phổ rộng, kháng nước và có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Nếu phải hoạt động ngoài trời và ra mồ hôi nhiều thì nên thoa kem lặp lại sau mỗi 2 giờ.