Dân Việt đua nhau 'đốt tiền' mua iPhone 12, cổ phiếu FPT Shop 'cháy hàng'
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:05, 01/12/2020
Sau khi lập đỉnh của năm, VN-Index phiên hôm qua (30/11) chỉ quẩn quanh ngưỡng tham chiếu và giảm khá mạnh vào cuối phiên chiều khi áp lực bán lên cao.
Cụ thể, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa phiên cuối tháng 11 tại 1003,08 điểm, ghi nhận mức thiệt hại 7,14 điểm tương ứng 0,71%. Trong tuần trước, với chuỗi giao dịch tích cực, chỉ số VN-Index đã lập đỉnh kể từ đầu năm tại 1.010,22 điểm.
HNX-Index hôm qua cũng giảm 0,46 điểm tương ứng 0,31% còn 147,7 điểm. UPCoM-Index ngược lại đạt được trạng thái tăng 0,11 điểm tương ứng 0,16% lên 66,9 điểm.
Điểm tích cực là cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức cao cho thấy thị trường đang còn hấp dẫn nhà đầu tư. Dòng tiền đổ vào HSX trong phiên này đạt 11.279,79 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 532,93 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng thu hút được 953,89 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 57,8 triệu cổ phiếu. UPCoM có 21,72 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch là 329,6 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 427 mã mất giá, 22 mã giảm sàn so với 352 mã tăng, 55 mã tăng trần.
Bên cạnh đó, thị trường suy yếu trong phiên hôm qua còn có nguyên nhân từ hoạt động chốt lời tại một số cổ phiếu trụ cột.
Cụ thể, HPG giảm 2,1% còn 35.500 đồng; MSN giảm 2% còn 82.000 đồng; BID giảm 1,8% còn 41.700 đồng; CTG giảm 1,6% còn 33.500 đồng; VCB giảm 1,6% còn 33.500 đồng; VNM giảm 1,5% còn 108.200 đồng; VIC giảm 1,2% còn 103.900 đồng; SAB giảm 1% còn 191.500 đồng; VHM giảm 0,5% còn 82.600 đồng.
Trong số này, thiệt hại do VCB và VIC là đáng kể nhất với mức ảnh hưởng lần lượt là 1,54 điểm và 1,22 điểm.
Tuy vậy, một số cổ phiếu đang bứt tốc và dành được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. TCB tăng 1,7% lên 24.100 đồng, khớp lệnh "khủng" 24,64 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với mức đóng góp là 0,39 điểm.
STB tăng 1% lên 14.650 đồng và khớp lệnh xấp xỉ 20 triệu cổ phiếu; MBB tăng 1,8% lên 20.350 đồng, khớp lệnh 18,51 triệu cổ phiếu; LPB cũng tăng 1,6% lên 12.450 đồng, khớp lệnh 13,27 triệu cổ phiếu.
HDB "giảm nhiệt" so với phiên sáng, tăng 2,6% lên 22.000 đồng. Trong phiên, mã này có lúc đã được giao dịch tại mức giá trần 22.950 đồng. HBC cũng tăng mạnh 3,9% lên 13.200 đồng. TPB tăng trần lên 22.300 đồng, trắng bên bán.
FRT của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng tăng trần lên 23.750 đồng, không còn dư bán, khớp lệnh đạt 3,8 triệu cổ phiếu, không còn dư bán.
Cổ phiếu FRT tăng giá mạnh sau khi hệ thống FPT Shop và F.Studio bắt đầu bày bán iPhone 12 series và bán được 4.500 máy, thu về khoảng 150 tỷ đồng chỉ sau 24 tiếng. Đây được cho biết là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay trong ngày mở bán sản phẩm của FRT.
Về triển vọng thị trường phiên 1/12, các công ty chứng khoán có cái nhìn khá thận trọng. Chuyên gia MBS cho rằng, thị trường điều chỉnh giảm sau hơn 4 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20 đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, với việc dòng tiền hỗ trợ mạnh và khối ngoại trở lại mua ròng nên thị trường vẫn giữ vững mốc trên 1.000 điểm.
Phiên giảm hôm qua có thể là tín hiệu không tích cực về mặt kỹ thuật, tuy vậy 1 phiên giảm vẫn là chưa đủ dấu hiệu để xác nhận liệu thị trường chỉ đơn thuần là chốt lời hay là phiên phân phối. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản trị rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng.
Còn VDSC thì thấy sau 9 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index xuất hiện phiên phân phối đầu tiên, thể hiện qua dấu hiệu thanh khoản tăng với chỉ số giảm. Tuy nhiên, mức độ phân phối hôm qua chưa mạnh và vùng 1.000 điểm đang là vùng hỗ trợ cho thị trường.
Dự kiến, thị trường có thể được hỗ trợ quanh 1.000 điểm và hồi phục trở lại để kiểm tra cán cân cung - cầu. Do vậy, nhà đầu tư tạm thời có thể lưu giữ danh mục và quan sát thị trường, nhưng cũng nên cẩn trọng do thị trường đã có phiên phân phối đầu tiên sau nhịp tăng kéo dài.