Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:43, 20/07/2020

Dù đổi đời với khoản tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng sau khi trúng số độc đắc, nhưng những 'tỷ phú' này vẫn giữ thói quen, lối sống cũ, vẫn làm những công việc cũ và lên kế hoạch kinh doanh chi tiêu sao cho hợp lí nhất...
Chuyện anh X, bà Y, chị Z trúng số độc đắc không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn nên không ít người lựa chọn đeo mặt nạ giấu kín khuôn mặt mỗi lần nhận giải thưởng độc đắc của Vietlott.

Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít người sẵn sàng công khai danh tính. Đồng thời nhờ biết tính toán và chăm chỉ, tiền trúng số là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời, đưa những người quanh năm đi ở, làm mướn kiếm cơm trở thành những người chủ thực thụ.

Người Việt Nam đầu tiên trúng "độc đắc" xổ số điện toán 92 tỷ đồng

Vào khoảng giữa tháng 10/2016, chị Nguyễn Thị Ánh Đào (trú ở TP.Trà Vinh) mua 3 vé số điện toán, trong đó 1 vé trúng hơn 92 tỉ đồng. Khi lĩnh giải, chị đã nhờ bố là ông Thái lên nhận giùm. Đây là người Việt Nam đầu tiên trúng "độc đắc" xổ số điện toán. Cuộc đời người phụ nữ bán thịt heo lam lũ đã bước sang trang mới, chỉ trong khoảnh khắc.

Sau khi nhận tiền, chị Đào thanh toán hết nợ nần, sau đó dành gần 2 tỉ đồng làm từ thiện, chia số tiền mình có được cho bố mẹ, anh chị em ruột thịt, họ hàng. Nhờ may mắn của Đào, cha mẹ và 3 người anh chị của chị đã có ngôi nhà mới khang trang.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Chị Đào và mẹ trong ngôi nhà mới.

Chị mua một căn nhà mới để ở, vài mảnh đất ngoại thành coi như tài sản tiết kiệm, ngoài ra mua một căn nhà khác để cho thuê, còn lại gửi ngân hàng.

Bố chị xây một căn nhà mới hơn 3 tỉ đồng, sau đó mua đất, xây dãy nhà trọ cho thuê, thu nhập mỗi tháng được hơn 30 triệu đồng. Có tiền nhưng bố mẹ chị Đào vẫn giữ thói quen tiết kiệm. Con cái giục bố mẹ đi du lịch nhiều nơi cho biết, nhưng ông chỉ cười: "Tao già rồi, đi bộ quanh quanh thành phố cho khỏe người".

Riêng Đào, dù đã thành tỉ phú nhưng vẫn không bỏ nghề bán bún nem nướng cùng người chị Nguyễn Thị Thu Thảo (34 tuổi). Tiệm bún nằm ở TP.Trà Vinh đã được sửa sang rộng hơn, khang trang hơn, khách đến ăn vẫn thấy hai chị em Thảo, Đào giản dị, niềm nở nên rất quý mến.

Anh thợ hàn bỗng chốc thành tỷ phú nhờ trúng số 71 tỷ đồng

Sau chị Đào, anh Nguyễn Minh Dũng là người thứ 2 trúng số Vietlott giá trị hơn 71 tỷ đồng. Theo đó, vào năm 2016, anh Dũng còn là một công nhân thợ hàn với lương hơn 200.000 đồng mỗi ngày. Nhưng giữa tháng 11/2016, anh đột ngột thành "tỷ phú" nhờ một tờ vé số mua tại quận 5.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Anh Dũng đeo mặt nạ đến nhận giải thưởng

Rút kinh nghiệm, anh Dũng thời điểm đó khi lên nhận giải đã đeo mặt nạ che mặt nhưng sự phiền toái từ giải thưởng đem lại vẫn khiến anh bị ám ảnh.

Chia sẻ trên VietNamNet, "ám ảnh" theo ý anh là bởi nhiều người vẫn nhận ra anh vì hôm đeo chiếc mặt nạ quá nhỏ lên nhận giải Jackpot trị giá hơn 71 tỷ đồng. Sự cố chiếc mặt nạ chỉ che được phần mắt khiến những người từng gặp anh đều biết ngay. Đủ mọi thành phần làm phiền, xin đểu, từ nơi ở đến tận quê nhà Quảng Ngãi.

"Cái người 92 tỷ rồi tới tui đó. Tui trốn khổ sở luôn. Đủ mọi thành phần hết. Cũng nhờ cái này mà có tiền, nhưng đúng là tiền kiểu này thấy sợ thiệt luôn. Người ta tới nhà, thậm chí nhà ở quê người ta cũng biết", anh Dũng kể lại.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Ô tô trị giá 2,6 tỷ đồng của gia đình anh Dũng

Khổ sở là có thật, nhưng anh Dũng cũng thừa nhận nhờ trúng số mà gia đình mới được đổi đời. "Ước mơ của tôi hồi làm công nhân là vợ chồng cố gắng có 1-2 tỷ gửi ngân hàng để lấy lãi hàng tháng. Rồi mình cứ đi làm đều đều. Lúc đó cũng tự biết là ước mơ thôi chứ cũng nghĩ là không bao giờ có thật", anh nói.

Nhờ trúng số, số tiền hàng chục tỷ đã giúp anh mua được vài mảnh đất để đầu tư, xây một căn nhà cho cha mẹ ở quê và một căn nhà mới tại TP.HCM cho gia đình. Vợ anh cũng nghỉ nghề bán cơm phần để làm nội trợ. Mọi quyết định tài chính từ ngày trúng số chị đều thuận theo ý chồng.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Anh Dũng trong buổi gặp tại nhà riêng

Chị với anh là người cùng quê và cả hai đều một lần đổ vỡ trong hôn nhân. Con chung và riêng tổng cộng 5 người con trai. Mấy đứa con lớn vì bỏ học nên giờ anh cho đi học nghề sửa xe, hớt tóc. Còn đứa con nhỏ đang đi học thì anh chuyển sang trường tốt hơn. "Nó mà chịu học và học được thì tôi sẵn sàng cho nó đi du học sau này", anh kể về đứa con út.

Đến giờ, anh Dũng vẫn nhớ rõ dãy số mà mình trúng vì nói rằng đó là kỷ niệm lớn của cả đời. Hiện anh vẫn duy trì thói quen mua vé số thường xuyên. Chia tay mọi người ra về, anh tếu táo hẹn nếu trúng độc đắc lần hai sẽ chấp nhận lộ diện trước truyền thông.

"Tôi mà trúng lần nữa là tôi sẽ cho mấy anh quay phim chụp ảnh thoải mái. Nhưng nhận giải xong cả nhà tôi phải bay đi định cư nước ngoài ngay chứ người ta tìm không chịu nổi", anh cười.

Chàng thợ hồ "đổi đời" nhờ trúng số 44 tỷ đồng

Sau anh Dũng và chị Đào cũng có rất nhiều "tỷ phú" may mắn khác trúng giải độc đắc, nhưng thông tin cá nhân của họ đều được giấu kín để tránh gây ồn ào. Thế nhưng, cũng không ít người tò mò về cuộc sống của họ sau khi trúng số và họ đã sử dụng khoản tiền đó ra sao.

Như anh Thành (tên nhân vật đã đổi) - chàng thợ hồ 25 tuổi ở huyện Quảng Trạch cũng nhớ như in khoảnh khắc phát hiện mình trúng số độc đắc. Theo anh Thành, vào ngày 21/6/2018 sau một ngày đi làm công trình anh đã ngồi dò chiếc vé số.

Khi thấy trúng ba số, anh đã run lẩy bẩy. Một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến cơ thể anh gần như cứng đờ khi cả dãy sáu số trùng với giải Jackpot.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Thành đứng trong khu vui chơi mới xây dựng bằng tiền trúng số. Ảnh: Vnexpress

Thành chạy vào nói với mẹ "con trúng 44 tỷ rồi" nhưng bà một mực không tin. Bà không biết Vietlott là công ty nào, cũng không nghĩ làm sao có giải độc đắc lớn đến thế nên dặn Thành đừng mừng vội, cẩn thận bị xã hội đen vòi vĩnh.

Thành cất tấm vé số vào hộc tủ, cố gắng giữ bình tĩnh sang tiệc cưới nhà hàng xóm như lời hẹn và hiểu mình đã trở thành "người trúng số".

Ngay sau đó, anh Thành đã phải nhờ người dẫn đi lĩnh thưởng. Chàng thợ hồ nắn nót viết tên tuổi, số chứng minh vào mặt sau tấm vé để khẳng định chủ quyền và cất gọn trong chiếc túi giữ chặt bên người suốt chuyến bay từ Đồng Hới vào TP HCM. Ngày nhận tiền, Thành chọn một chiếc áo sơ mi phẳng phiu, đeo mặt nạ trắng.

Sau khi nhận giải độc đắc chàng trai vẫn có cuộc sống khá giản dị. Sau đó, Thành đã lập gia đình, thôi lo ăn từng bữa và biết tính toán cho tương lai. Anh vẫn đi dép lê, mặc áo phông và dùng điện thoại phím bấm như thời làm công nhân theo diện xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

Che mặt, giấu tên lúc nhận giải nhưng hàng xóm trong thôn, thậm chí người dân cách nhà Thành gần 40 km cũng biết thông tin anh trúng độc đắc. Nhiều hội nhóm, bạn bè và cả người không quen biết kéo vào xin hỗ trợ, vay tiền khiến nhịp sống những ngày đầu đảo lộn. Người thân khuyên Thành chuyển đi nơi khác tạm lánh, chờ yên ắng rồi trở về nhưng anh đều từ chối. "Mình trúng số chứ có làm gì phạm pháp đâu mà phải trốn", Thành chia sẻ.

Thỉnh thoảng Thành vẫn mở lại tờ báo từng đưa tin trúng thưởng, lướt xem bình luận và cười sảng khoái với câu trêu đùa "chàng thợ xây có bàn tay đẹp nhất Việt Nam". Chỉ vào những nốt sần trên bàn tay, anh nói từ lúc trúng thưởng đã bỏ nghề xây dựng vì vất vả. Anh cũng không định nhận thầu vì trước đây chỉ làm công ăn lương, chưa thạo nghề.

Nghe lời mẹ, Thành góp toàn bộ chi phí xây đình làng còn thiếu và lo hương khói hàng năm ngót nghét một tỷ. Anh chia 15 tỷ cho các anh chị xây nhà riêng, thậm chí dư dả sắm thêm ô tô.

Trong khi đó, anh chỉ thay ngói và sơn lại căn nhà cấp bốn của gia đình để ở cùng mẹ và vợ con. Phía trước căn nhà đặt tấm phản gỗ mới, bên cạnh là chiếc Ford Everest mua cách đây không lâu. Căn nhà cách quốc lộ khoảng 300 mét, không bề thế nhưng vì thế cũng đủ nổi bật so với xung quanh. Thành giải thích, cất nhà là chuyện trọng đại, chưa hợp tuổi nên chưa làm được.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Căn nhà Thành vừa sửa lại và chiếc Ford Everest mới mua. Ảnh: Thiên Ngân.

Khoản tiền còn lại Thành ưu tiên cho kinh doanh. Để không bị thách giá, anh nhờ người quen đứng ra mua khu đất 860 m2 cạnh quốc lộ vào đầu năm ngoái với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Anh rót thêm 4 tỷ đồng để xây dựng nơi đây thành trung tâm vui chơi cho trẻ em. Bên trong chia làm hai phân khu. Một bên là tiệm trà sữa với khoảng chục bộ bàn ghế, bên còn lại bày biện nhà hơi và cầu trượt.

"Thỉnh thoảng mình vẫn mua vé số. Cách đây mấy hôm còn mơ thấy lên nhận giải 25 tỷ, nếu thật chắc không đeo mặt nạ nữa", nói xong, anh vội quay sang vỗ về cô con gái chưa tròn tuổi.

Trúng 23 tỷ đồng, người đàn ông vẫn tiếp tục làm xây dựng vì lo tiêu hoang rồi khánh kiệt

Một thợ xây khác ở Khánh Hòa là ông Lê Văn Hiểu cũng có cảm xúc "không dám tin" như Thành vào tháng 10/2019. Ông Hiểu mua sáu tờ vé Vietlott trong một chuyến công tác ở TP HCM. Khi biết một trong đó trùng với dãy số trên bảng điện tử, ông hết nhìn mặt trước, lật ra mặt sau đọc tất cả chữ in trên đó.

Hôm sau có người điện thoại xưng là nhân viên của đại lý, ông Hiểu mới nghĩ: "Vậy là trúng 23 tỷ thật rồi". Sau đó, một mình ông đến chi nhánh báo trúng thưởng và rành rọt nói về kế hoạch tiêu tiền. Ông cũng là một trong số ít người đồng ý công bố danh tính lúc nhận giải, bởi cho rằng vận may đến thì chẳng có lý do gì phải giấu giếm.

Số phận người đầu tiên trúng độc đắc Vietlott ôm trọn 92 tỷ đồng
Ông Hiểu - người từng trúng Jackpot 23 tỷ đồng.

Dù trở thành "tỷ phú" và có khoản tiền lớn trong tay nhưng ông Hiểu vẫn vẫn chăm chỉ theo nghề xây dựng và lên kế hoạch mở rộng kinh doanh để tránh hoang phí.

Giữa trưa nắng tháng 7, ông Hiểu vẫn tất tả chạy xe máy từ công trình đến quán cà phê, sau lại ngược về coi sóc căn nhà tặng mẹ vợ đang thi công dang dở.

Khoản tiền lớn giúp ông mạnh dạn tính kế làm ăn cho tiền sinh ra tiền. Đầu năm, vợ chồng ông rong ruổi khắp Nha Trang để mua đất đầu tư nhưng bất thành. Cả hai dạt về huyện, chọn mảnh đất 4 tỷ đồng cuối đường Võ Nguyên Giáp, nối liền huyện với trung tâm thành phố Nha Trang.

Ông dành thêm 2 tỷ đồng để mở quán cà phê sân vườn, kết hợp điểm bán vé số Vietlott. Cửa hàng nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1 nên khách vào ra liên tục, mỗi ca trực hơn chục nhân viên. Trong căn phòng máy lạnh dành cho khách chơi vé số, tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc nhận giải độc đắc được ông treo ở vị trí trang trọng.

Guồng quay công việc mỗi ngày thêm gấp bội khi lấn sân mảng mới. Chưa ngơi việc ở quán cà phê, ông Hiểu đội nắng đi tiếp công trình, có khi ở lại đôi ba ngày mới về nhà một lần. Công trình mới nhận vài tháng, chưa được chủ đầu tư giải ngân vốn nên người đàn ông này phải tạm ứng hơn 3 tỷ từ tiền trúng số.

Ông phân trần, nghề xây dựng dầm mưa dãi nắng nhưng mình theo đuổi từ trẻ, ăn vào máu rồi nên không bỏ được. Bây giờ có vốn cũng đỡ hơn, thợ thầy thiếu tiền có thể chủ động xoay rồi quyết toán sau.