2 khu phố ẩm thực nổi tiếng ở Sài Gòn: Chỗ vắng vẻ đìu hiu, nơi tấp nập khách nhưng 'bán dưới 25 triệu một đêm vẫn lỗ'
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:29, 09/07/2020
"Một đêm bán dưới 25 triệu là lỗ"
Theo ghi nhận của chúng tôi, 19h tối, phố ẩm thực Vĩnh Khánh (phường 10, quận 4) bắt đầu tấp nập khách ra vào. Trên đoạn đường từ Vĩnh Khánh đến đường Tôn Đản, các hàng quán bày biện nhiều món ăn đa dạng để thu hút khách hàng.
Đi vào hoạt động từ 30/3/2018, phố ẩm thực Vĩnh Khánh là một địa điểm thu hút giới trẻ Sài Gòn đến vui chơi, ăn uống.
Đứng trước quán ăn để hướng dẫn khách ra vào, hỗ trợ dắt xe cho khách, anh Văn Hùng, nhân viên một quán ốc nằm trên đường Vĩnh Khánh cho biết quán chỉ đắt khách vào ngày cuối tuần, còn lại thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm, không người.
Trở lại hoạt động sau một thời gian dài tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, các hàng quán trong phố ẩm thực đã tấp nập khách ra vào.
"Thường tụi anh chỉ bán được vào tối thứ 6, thứ 7, chứ các buổi khác ế lắm. Người dân ít đi ăn hơn, hôm nào mưa thì xác định...", anh Hùng nói.
Tuy nhiên, lượng khách hiện nay so với trước kia vẫn không đáng kể khiến những người làm kinh doanh ăn uống trong phố lo lắng.
Đồng quan điểm với anh Hùng, anh Sơn (quản lý một cửa hàng ốc trong phố ẩm thực) cho biết dù người dân đã bắt đầu đổ ra đường ăn uống nhiều hơn nhưng thu nhập so với trước kia vẫn không đáng kể.
"Giờ cũng do dịch bệnh, người dân bị ảnh hưởng, thất nghiệp thì lấy tiền đâu ra để đi ăn uống, mình phải chịu thôi. Kinh doanh khó khăn lắm, không bằng trước nữa, mặt bằng chật quá thì người ta không vô, còn rộng quá thì mình chịu không nổi.
May mùa dịch người ta giảm cho 1 nửa, giờ thì lấy lại y nguyên rồi... Mỗi một đêm nếu quán anh mà bán dưới 25 triệu là lỗ đó, mình ở trong cuộc mới biết lời lỗ thôi. Quán này bán cũng được mười mấy năm rồi, chứ mới vô thì chắc trụ không nổi", anh Sơn chia sẻ.
Các món nhậu bình dân, đa dạng là điểm thu hút mọi người đến phố ẩm thực Vĩnh Khánh.
Theo anh Sơn, để có thể kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải tiền mặt bằng, buổi sáng anh bán thêm đồ ăn sáng, trưa bán cơm nhưng vẫn không ăn thua, chỉ đủ trả tiền thuê nhân viên. Riêng việc kinh doanh quán ốc, hải sản vào buổi tối chỉ thật sự có lời vào các ngày cuối tuần.
Dù những ngày cuối tuần đông đúc nhưng anh Sơn cho rằng việc kinh doanh hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, vẫn phải bù lỗ thường xuyên.
"Trước khách nước ngoài đến đây nhiều, mình bán cũng được nhiều hơn vì khách Tây chủ yếu họ ăn hải sản, tôm càng..., ít ăn ốc. Giờ mình chưa mở cửa, phải chấp nhận sống chung, hi vọng bám trụ thôi. Anh chỉ mong nhà nước giảm thêm thuế để hỗ trợ những người kinh doanh như mình", anh Sơn nói.
Ra đời trước phố ẩm thực Vĩnh Khánh, đường số 10 (quận 6) ngày cuối tuần cũng không khá khẩm hơn.
Phố ẩm thực quận 6: Từ 10 nhân viên chỉ còn 4
Khác với cảnh tấp nập của phố ẩm thực Vĩnh Khánh, khu phố ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam nằm ở quận 6 có phần đìu hiu. Từng nổi tiếng với đoạn đường khoảng 1km nhưng có gần 100 gian hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè thu hút giới trẻ Sài Gòn mỗi tối, hiện nay, khu phố này (đường số 10, quận 6) vắng vẻ hơn.
Các quán ăn bày biện đầy đủ bàn ghế nhưng không có khách ghé đến.
Hơn 18h tối cuối tuần nhưng chỉ rải rác một số cửa hàng ăn uống bày biện bàn ghế ra bên ngoài để mời chào khách ghé ăn. Một số quán vẫn xếp chồng ghế để yên ắng trong nhà vì thiếu người mua.
Làm nhân viên phục vụ cho chuỗi quán ăn vặt nổi tiếng ở khu phố ẩm thực, Ngọc Trầm cho biết trước kia quán của em có đến hơn 10 nhân viên phục vụ, hoạt động hết công suất nhưng vẫn không xuể thì nay chỉ còn vỏn vẹn 4 người.
Trầm thong thả làm công việc của mình, em cho biết lượng khách đến quán giảm rõ rệt so với trước đây.
"Giờ quán ế lắm anh ơi, cuối tuần thì còn có khách ra vào, chứ ngày thường vắng vẻ hẳn", Ngọc Trầm chia sẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, dù hội đủ món ngon của cả 3 miền như bún đậu mắm tôm, phở Hà Nội, bún chả, bánh xèo miền Tây, mì quảng, đồ ăn vặt và các quán hải sản, đồ ăn tươi... với giá cả bình dân nhưng đã không còn thu hút giới trẻ ở Sài Gòn.
Các món ăn vặt như bánh tráng nướng, bắp xào, gỏi, trà sữa, chè... của quán Trầm từng chen chúc khách ra vào.
Theo nhiều người kinh doanh hàng quán ăn uống cho biết, dù hiện tại người dân đã bắt đầu ra quán ăn uống nhiều hơn nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều hộ kinh doanh thua lỗ vì ế ẩm, vắng người mua.
Dưới đây là một số hình ảnh khác chúng tôi ghi nhận tại 2 con phố ẩm thực ở Sài Gòn thời gian gần đây:
Chỉ lác đác một vài khách ghé ăn, nhiều bàn ghế chất chồng vì ế ẩm.
Một quán ăn nằm trong khu phố ẩm thực quận 6 cũng trong tình cảnh tương tự.
Đoạn đường từng tấp nập ngày cuối tuần bỗng trở nên vắng vẻ hơn.
Một số hàng quán trong khu ẩm thực Vĩnh Khánh cũng thưa thớt người.
Hải sản, ốc là những món ăn nổi tiếng của khu phố quận 4.
Không khí vui vẻ, nhộn nhịp trong khu phố ẩm thực quận 4.
Người kinh doanh vẫn hy vọng vào sự hồi phục kinh tế trong thời gian tới.