Ông Đặng Khắc Vỹ: Nợ xấu của VIB chủ yếu cho vay bán lẻ, mua ô tô
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 20:54, 24/03/2021
Thông tin trên được ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (Mã: VIB), sáng 24/3.
Tại phiên họp, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, trong năm 2020, dư nợ tín dụng của ngân hàng bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 29%, chiếm 70% tổng tài sản. Nợ xấu ngân hàng tại 1,46%, lợi nhuận tăng 42% cùng kỳ.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho VIB chỉ 8%. Dù thế, tại phiên họp đại hội cổ đông, HĐQT VIB cho biết đặt mục tiêu dư nợ tín dụng năm nay tăng 31%, bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc đặt mục tiêu đến 31% - cao hơn rất nhiều so với con số 8% được giao, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết kế hoạch của NHNN có thể linh động theo diễn biến chung của thị trường. Năm nay, NHNN giao chỉ tiêu lần đầu tiên cho các ngân hàng ở mức 7 - 12%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này có thể linh hoạt phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch của ngân hàng... Các năm trước, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được, đó là cơ sở để năm nay mục tiêu đặt ra là 31%.
Nói về nợ xấu của ngân hàng, ông Vỹ cho biết, nợ xấu của VIB là thực chất, chủ yếu là cho vay bán lẻ, cho vay mua ô tô, có tài sản đảm bảo tốt với 96% dư nợ đều có tài sản bảo đảm. Tỷ lệ cho vay là 50% so với tài sản đảm bảo nên tỷ lệ mất vốn rất thấp so với các ngân hàng khác. Ngân hàng có phương án đánh giá thận trọng tương đương giá thị trường.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của VIB năm 2020, tại ngày 31/12/2020, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) là gần 798 tỷ đồng, tăng so với mức 372 tỷ đồng cùng kỳ 2019. Nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) cũng tăng từ hơn 407 tỷ đồng lên hơn 566 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) của ngân hàng là hơn 1.605 tỷ đồng, đã giảm so với mức trên 1.768 tỷ của năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách từ 1,68% giảm về 1,46%.
Dự kiến phát hành tăng vốn thêm 4.900 tỷ đồng
Đại hội cổ đông cũng đã nhất trí thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 40%. Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa đạt 15.531 tỷ đồng. Cổ đông được đề xuất ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian chia cổ phiếu thưởng, đảm bảo hoàn thành trước 30/9.
Sau khi chia cổ phiếu thưởng, ngân hàng có kế hoạch tăng vốn bằng cách chào bán tối đa 46,59 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3%. Vốn điều lệ sau khi chào bán dự kiến đạt 15.997 tỷ đồng. Ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh.
Với 2 đợt chào bán và chia cổ phiếu thưởng, dự kiến vốn điều lệ tăng thêm 4.903 tỷ đồng. Trong đó, 4.403 tỷ đồng sẽ dùng để tăng cường cấp tín dụng, 300 tỷ đồng đầu tư tài sản thanh khoản, còn lại đầu tư cơ sở vật chất và nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, ngân hàng sẽ kiểm soát tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 37%, hệ số CAR trên 8%. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) dự kiến là 2,2% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 28,4%. Tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động) là dưới 85%.
Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, nhiều năm qua, ngân hàng dành nhiều nguồn lực vào sản phẩm ngân hàng số. Thời gian tới, lĩnh vực ngân hàng số sẽ tiếp tục được đầu tư tập trung.
Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây, ngân hàng đã kết hợp với Amazon để chuẩn hóa dữ liệu đầu vào cho quá trình chuyển đổi số, hiện có khoảng 15 dự án đang thực hiện đồng thời. Quá trình số hóa sẽ cho phép ngân hàng bán được lượng sản phẩm gấp 2 hoặc 3 so với lượng hiện nay trên thị trường.
Cổ đông cũng thông qua mức thù lao chi trả cho các thành viên HĐQT và thành viên BKS năm 2020 tối đa là 0,75% lợi nhuận trước thuế cùng năm này. Số thù lao chi trả cho 2020 tối đa hơn 43,5 tỷ đồng. Với năm 2021, tỷ lệ này cũng được áp dụng tương tự.
Băng Châu