Dốc tiền vào chứng khoán: Giao dịch càng bùng nổ, ‘lính mới’ cần tỉnh táo

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:23, 17/01/2021

Nội dung được bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh khi trả lời VTC News ngày 16/1.

- Thị trường chứng khoán tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Liệu sự tăng trưởng này có đến từ tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp hay dựa trên yếu tố nào, thưa bà?

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian gần đây được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam đang là một trong số ít các nước đang có thành quả tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Điều này đặt nền móng vững chắc cho sự phục hồi kinh tế cũng như gây dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dốc tiền vào chứng khoán: Giao dịch càng bùng nổ, ‘lính mới’ cần tỉnh táo - 1

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Thứ 2, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và phong tỏa, Việt Nam đang là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020 với 2 động lực chính đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Năm 2020, xuất khẩu ước tăng 6,5%, bên cạnh đó giải ngân đầu tư tăng 34,5%.

Thứ 3, môi trường lãi suất thấp và tỷ giá VND ổn định đang thúc đẩy một dòng tiền lớn chảy từ các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm, ngoại tệ,… sang kênh đầu tư chứng khoán.

- Trong những ngày đầu năm, số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao, nhiều sàn chứng khoán nhà đầu tư xếp hàng để mở tài khoản. Bà nhận định thế nào về dòng tiền F0 đổ vào thị trường?

Tôi cho rằng việc TTCK sôi động trong thời gian gần đã thu hút sự chú ý của lượng lớn nhà đầu tư cá nhân. Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) số lượng tài khoản của NĐT trong nước mở mới năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019. Điều này cũng phù hợp với lộ trình phát triển qui mô TTCK của cơ quan quản lý; trong đó có mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 5% dân số vào năm 2025. Cùng với sự phát triển của thị trường và công nghệ thông tin, tôi cho rằng TTCK đang dần trở nên dễ tiếp cận đối với đại đa số người dân.

Các công ty chứng khoán thường xuyên cung cấp các khóa học đầu tư, các công cụ tra cứu thông tin tri thức về thị trường để giúp cho các nhà đầu tư mới được trang bị đầy đủ kiến thức và nhận diện được rủi ro khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Do đó tôi cho rằng, dòng tiền F0 tại thời điểm này sẽ tỉnh táo và ổn định hơn nhiều so với những thời điểm thị trường tăng nóng trong lịch sử.

- Bà có lời khuyên nào cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng và quản trị rủi ro danh mục trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020 và cả năm 2020 sẽ được công bố trong vài tuần tới, đồng thời có thể tìm kiếm những cơ hội phù hợp cho bản thân trong thời gian này.

Dòng tiền F0 tại thời điểm này sẽ tỉnh táo và ổn định hơn nhiều so với những thời điểm thị trường tăng nóng trong lịch sử.

Bà Trần Thị Khánh Hiền

Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên trang bị kỹ các kiến thức cần thiết để tham dự thị trường, cũng như tham khảo các ý kiến chuyên gia để có thể đầu tư tốt hơn trên thị trường chứng khoán.

- Một số người lo ngại rằng “bong bóng” chứng khoán có thể xảy ra, bà nghĩ sao về ý kiến này?

Chúng tôi không có nhận định gì về vấn đề này

- Xin bà cho biết diễn biến về thị trường 2021 và xu hướng đầu tư trong năm 2021?

Nhìn chung, chúng tôi khá lạc quan về triển vọng TTCK năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng GDP 2021 tăng trưởng 7,1% được tiếp sức bởi tăng trưởng 8,8% của ngành chế biến chế tạo và 7,1% của khu vực dịch vụ. Chúng tôi dự báo xuất khẩu tăng tốc với tăng trưởng 12% trong năm 2021 khi tổng cầu phục hồi ở các nước sau khi vaccine được thử nghiệm và sử dụng đại trà. Đồng Việt Nam nhiều khả năng mạnh lên do thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao. Chúng tôi không nhìn thấy áp lực lớn nào lên lạm phát trong năm sau giữa đà tăng của giá dầu khi mà giá thực phẩm đang hạ nhiệt.

Bênh cạnh đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang trên đà phục hồi, Trong bối cảnh COVID-19 tác động tiêu cực đến tất cả ngõ ngách của nền kinh tế, lợi nhuận của VN-Index giảm 9,5% svck trong 9 tháng đầu năm 2020. Dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE chỉ giảm 5,9%, tích cực hơn nhiều so với đà sụt giảm trong nửa đầu năm. Với đà hồi phục mạnh của kinh tế vĩ mô và mô hình hồi phục chữ V của lợi nhuận thị trường, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ tăng trưởng 23% trong năm 2021.

Tiềm năng tăng giá bao gồm: TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ Thị trường Cận biên sang Thị trường Mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021;

TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021;

Và vắc xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.