VinFast đặt cược gì để đấu với các đối thủ tại Mỹ?
Bất động sản - Ngày đăng : 07:41, 02/05/2021
VinFast đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ với kỳ vọng những chiếc SUV chạy bằng điện và mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước những thương hiệu dẫn đầu như Tesla và General Motors.
Xuất hiện gần đây trên thị trường ô tô và là hãng xe lớn thứ 5 tại Việt Nam, VinFast không thiếu tham vọng khi đặt mục tiêu niêm yết tại Mỹ với định giá lên tới 60 tỷ USD, theo hai nguồn tin của Reuters.
CEO của VinFast, Nguyễn Thị Vân Anh, cho biết công ty sẽ ra mắt tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu trong năm 2022. Với động thái này, VinFast chính thức tham gia vào lĩnh vực mà đông đảo "người chơi" cũng đang tìm cách cạnh tranh với Tesla của tỷ phú Elon Musk, trong số đó, thậm chí có những công ty mới thành lập làm ăn thua lỗ được hậu thuẫn bởi làn sóng rót vốn từ Phố Wall.
"Chúng tôi sẽ đến Mỹ, Canada và châu Âu cùng lúc. Tại châu Âu, chúng tôi sẽ gia nhập thị trường Đức, Pháp và Hà Lan", bà Vân Anh cho hay.
Đứng đằng sau VinFast là Vingroup, vốn là tập đoàn tư nhân của Việt Nam tương đương một chaebol của Hàn Quốc khi "chạm tay" vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện và điện thoại thông minh.
Đặt cược vào kế hoạch cho thuê pin
Được thành lập vào năm 2017 với sự dẫn dắt của đội ngũ đứng đầu là các cựu giám đốc điều hành General Motors, VinFast đang hướng tới cạnh tranh về kích thước và giá cả của xe khi tung ra một chiếc SUV chạy bằng điện mà theo mô tả của bà Vân Anh là sang trọng hơn những mẫu đang được chào bán.
Ô tô của VinFast cũng đi kèm chương trình cho thuê pin. Nghĩa là chi phí của pin, một trong những linh kiện đắt nhất của xe điện, sẽ không được tính vào giá cuối cùng của sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ mang đến cho các bạn một sản phẩm tốt hơn. Chúng tôi ra mắt một mẫu SUV, một chiếc xe rộng rãi hơn", bà Vân Anh, người sẽ từ Hà Nội sang Los Angeles để điều hành các hoạt động của VinFast tại Mỹ vào tháng tới, nói.
Theo một bài thuyết trình mà công ty chuẩn bị cho các nhà đầu tư tiềm năng, ô tô của VinFast sẽ rẻ hơn so với các mẫu xe điện khác. Một chiếc SUV của Tesla hiện có giá bán khoảng 50.000 USD, còn giá bán của VinFast vẫn chưa được tiết lộ. 2 trong số 3 mẫu xe điện của VinFast sẽ dành cho thị trường Mỹ, nơi công ty đặt mục tiêu doanh số hàng năm là 45.000 xe.
Trước VinFast, từng có các hãng xe châu Á thâm nhập thị trường Mỹ. Toyota trong những năm 1970 và Hyundai những năm 1980 đã vượt qua sự hoài nghi ban đầu của người tiêu dùng và cuối cùng giành được một số thị phần từ các nhà sản xuất Mỹ.
Với doanh số hàng năm đạt khoảng 30.000 xe vào năm ngoái tại Việt Nam nhưng chưa tạo ra lợi nhuận, VinFast sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn, Reuters nhận định.
"Thách thức lớn nhất của họ là thuyết phục người tiêu dùng rằng họ có một sản phẩm bền vững và giá trị hấp dẫn. Kể cả khi sản phẩm có vẻ ngoài và tính năng phù hợp, nó cũng chỉ giúp bạn tham gia cuộc chơi. Chiến thắng đòi hỏi phải có công nghệ hoặc mô hình kinh doanh vượt trội so với đối thủ", theo Bill Russo, Giám đốc công ty tư vấn Automobility Ltd và là cựu Giám đốc của Chrysler.
VinFast đang đặt cược kế hoạch cho thuê pin sẽ giúp công ty chinh phục được người tiêu dùng Mỹ. Với kế hoạch này, khách hàng hàng tháng sẽ phải trả một khoản tiền gần tương đương với chi phí đổ xăng trung bình.
Bà Vân Anh cho biết, khi pin ở mức 70% tuổi thọ, VinFast sẽ thay thế. Họ sử dụng pin của Samsung SDI.
Hãng xe điện Nio, do Tencent hậu thuẫn, cũng từng triển khai kế hoạch tương tự ở Trung Quốc. Nio bán chiếc SUV ES6 với giá từ 55.272 USD.
Theo Michael Dunne, CEO của công ty tư vấn ô tô ZoZo Go, không nhà sản xuất xe điện nào có thể cạnh tranh với Tesla trong tương lai gần. Điều này cho thấy thế mạnh toàn diện của hãng xe điện Mỹ.
"Nhưng tin tốt là những công ty như VinFast không cần phải đánh bại Tesla để giành chiến thắng. Những gì họ cần làm là khiến một phần trong số 65 triệu người tiêu dùng đã mua ô tô chạy xăng chuyển sang sử dụng xe điện", ông Dunne cho hay.
Với nhà máy sản xuất tại Việt Nam có công suất 250.000 xe/năm, VinFast đang lên kế hoạch bán xe trực tuyến tại Mỹ, thay vì thiết lập mạng lưới đại lý tốn kém. Đến nay, hãng đã có 15.000 đơn đặt trước cho mẫu xe điện VF e34 tại Việt Nam.
Công ty thuê Jeremy Snyder, người từng có 10 năm làm việc tại Tesla, làm giám đốc phụ trách phát triển thị trường Mỹ. "Thật thú vị khi có thể mang Việt Nam và Mỹ đến gần hơn thông qua VinFast", ông nói.
Tham gia thị trường Mỹ với SPAC?
Nhà sáng lập Vingroup, Phạm Nhật Vượng, từng cam kết chi 2 tỷ USD từ "túi riêng" để đầu tư vào mảng ô tô.
Để thúc đẩy tăng trưởng, VinFast cần thêm tiền mặt, theo Reuters. Công ty đang xem xét tham gia gọi vốn tại thị trường Mỹ, nơi mà giới đầu tư, bao gồm một số nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới, đang đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp về ô tô thông qua SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Theo 3 nguồn tin của Reuters, VinFast sẽ thông qua một SPAC để gọi vốn ở Mỹ.
Các quan chức của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ sẽ sớm tới thăm Việt Nam để gặp lãnh đạo của Vingroup và thảo luận về kế hoạch niêm yết VinFast tại thị trường này, Reuters dẫn lời hai nguồn tin thân cận khác. Nếu VinFast được niêm yết tại Mỹ, đây sẽ là công ty đầu tiên làm được điều này.
"Thời gian hay cách thức niêm yết, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định đúng đắn vào cùng một thời điểm", bà Vân Anh chia sẻ.
Một loạt công ty khởi nghiệp liên quan tới xe điện được định giá hàng tỷ USD vào năm 2020 dù sản phẩm của họ chưa sẵn sàng để bán. Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty đó gần đây bắt đầu giảm.
VinFast muốn bản thân tạo ra được sự khác biệt. "Nếu bạn nhìn vào một số thương vụ SPAC đã diễn ra, họ thực sự không có những gì chúng tôi hiện có. Ngay cả khi chúng tôi chưa có một sản phẩm nào trên thị trường thế giới thì chúng tôi cũng đã có sản phẩm ở đây (Việt Nam)", bà Vân Anh nói.
Kim Dung
Theo Reuters